Tiểu đường thai kỳ ở 3 tháng cuối sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ mang lại ý nghĩa lớn, giúp thai phụ hạn chế và phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Cùng nắm rõ những dấu hiệu nhận biết khi bị tiểu đường 3 tháng cuối để có biện pháp xử trí sớm nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Mục lục
Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ
Ở người bình thường thì tụy tạng sẽ sản xuất ra insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên với mẹ bầu, thì trong suốt quá trình mang bầu, nhau thai sẽ tạo ra nội tiết tốt giúp thai nhi phát triển.
Chính điều này lại gây ảnh hưởng tới việc sản xuất insulin của mẹ bầu. Bởi những loại nội tiết tố này sẽ gây ra một số rủi ro, hoặc cũng có thể xem như là một loại kháng insulin. Lúc này bệnh tiểu đường thai kỳ xuất hiện do tụy tạng không cung cấp đủ insulin cần thiết cho cơ thể, khiến lượng đường trong máu mẹ bầu tăng cao.
☛ Có thể bạn quan tâm: Mức đường huyết an toàn cho mẹ bầu là bao nhiêu?
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Không phải tất cả mẹ bầu đều có khả năng cũng như sự nhạy cảm để có thể phát hiện ra mình bị tiểu đường thai kỳ. Hầu hết thai phụ chỉ biết mình bị bệnh sau khi thăm khám và được tầm soát tiểu đường. Một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mà thai phụ có thể gặp bao gồm:
Đi tiểu nhiều
Do hàm lượng Glucose trong máu quá cao nên không thể chuyển hóa hết được, lúc này thận sẽ phải hoạt động hết năng suất nhằm đẩy hết Glucose dư thừa ra ngoài. Chính vì thế, mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều hơn mức bình thường.
Thường xuyên khát nước
Mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn dẫn đến cơ thể bị thiếu nước sẽ đòi hỏi phải bổ sung thêm. Do đó, mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước và có xu hướng uống nước nhiều hơn để bù đắp sự hao hụt này.
Vùng kín viêm nhiễm
Vùng kín của thai phụ lúc này dễ bị nhiễm nấm men, chảy dịch có mùi hôi khó chịu, bị đau hoặc rát khi đi tiểu. Hiện tượng này thường sẽ kéo dài và khó điều trị dứt điểm dù đã sử dụng dung dịch vệ sinh sạch sẽ.
Mệt mỏi, sụt cân nhanh
Thai phụ sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, sụt cân nhanh. Những yếu tố này là do insulin trong cơ thể không có khả năng sản xuất đủ cho quá trình chuyển hóa trở thành năng lượng. Thế nên, cơ thể của thai phụ sẽ luôn trong trạng thái đói bụng, mệt mỏi và thèm ăn.
Mờ mắt trong thời gian ngắn
Thỉnh thoảng mẹ bầu gặp tình trạng mờ mắt, điều này là do phản ứng của cơ thể khi hàm lượng Glucose trong máu tăng cao đột ngột. Hiện tượng này tuy ít gặp nhưng mẹ bầu cũng cần hết sức lưu ý.
Một vài dấu hiệu khác
- Ăn uống nhiều khó kiểm soát.
- Theo dõi sẽ thấy nước tiểu có kiến bâu vào.
- Những vết trầy xước hoặc vết thương hở rất khó lành lại.
Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối?
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối thường bao gồm:
- Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
- Những lần mang thai trước, phụ nữ đã bị tiểu đường thai kỳ.
- Phụ nữ có tiền sử sản khoa bất thường: Dị tật thai nhi, sinh non, thai lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tục,…
- Đối tượng phụ nữ thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn phụ nữ khác.
- Gia đình có tiền sử người nhà mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Biến chứng tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Tiểu đường thai kỳ gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ:
- Khó sinh, dễ bị băng huyết sau sinh.
- Rối loạn thần kinh, dấu hiệu là toàn bộ cơ thể bị đau nhức.
- Tăng nhãn áp, giảm thị lực, bong võng mạc, trường hợp nặng nhất có thể bị mù.
- Thận bị suy giảm chức năng, mất chức năng lọc thải thận.
Ảnh hưởng đến thai nhi:
- Thai nhi dễ bị rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết hoặc hạ canxi huyết.
- Nguy cơ cao thai nhi bị các bệnh về tim mạch hay hệ thần kinh.
- Bé khi sinh ra mắc bệnh lý về đường hô hấp do phổi bị ảnh hưởng vì lượng insulin tăng cao.
- Tăng tỉ lệ dị tật thai nhi. Nguy cơ cao thai nhi bị rối loạn tăng trưởng (tăng hoặc giảm cân bất thường).
➤ Chi tiết hơn tại bài viết: Biến chứng bệnh tiểu đường
Mẹ bầu nên làm gì khi bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Khi mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán là bị tiểu đường thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thì mẹ bầu cần xây dựng ngay cho mình một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho hai mẹ con.
- Mỗi ngày cơ thể cần dung nạp từ 1800-2000 calo.
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm chứa nhiều sắt, canxi, vitamin và protein.
- Chia nhỏ các bữa ăn thành 5-6 bữa mỗi ngày. Không nên ăn quá nhiều trong một bữa.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, nhiều calo và ít béo (lượng chất béo được tiêu thụ từ thức ăn không chiếm quá 30%).
- Nên ăn giảm lượng tinh bột, tăng đạm chứa trong thịt, cá và trứng.
➤ Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ, mẹ nên ăn gì để con tăng cân
Bên cạnh đó có một số loại thực phẩm mẹ bầu nên kiêng khi đang bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối:
- Các loại thức ăn nhanh được chế biến sẵn như: thịt xông khói, xúc xích, đồ hộp,…
- Các loại đồ ngọt như kẹo, bánh, nước ngọt,…
- Thực phẩm có chứa nhiều tinh bột như: Xôi, khoai tây, bánh mì trắng, gạo trắng,…
Nên uống đủ nước
Nước lọc, nước khoáng được khuyên có thể sử dụng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối. Bởi các loại nước ngọt hoặc nước ép trái cây, sinh tố đều có chứa nhiều đường và khiến đường huyết tăng nhanh. Do đó mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối nên tránh xa. Thi thoảng bạn có thể uống trà xanh pha loãng thay cho nước lọc.
Hãy luyện tập thể dục thường xuyên và thư giãn
Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30 phút theo sự tư vấn của bác sĩ, nên lựa chọn các môn tập phù hợp với sức khỏe như: thái cực quyền, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp, đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga,…
- Dành thêm thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể, mẹ bầu không nên thức khuya hay làm việc quá sức.
- Tránh để cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng.
- Luôn giữ tinh thần, tâm lý thoải mái, vui vẻ, tránh stress.
Cần ngủ đủ giấc
Ngủ ngon và ngủ đủ giấc sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe của mẹ bầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc mất ngủ là dấu hiệu của trầm cảm, điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho quá trình điều trị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu luôn cảm thấy khó ngủ bởi khó tìm được tư thế ngủ thoải mái. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ nếu gặp vấn đề về giấc ngủ để có lời khuyên hữu ích từ bác sĩ giúp bạn ngủ ngon hơn.
Cần theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu
Khi bị tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu có thể thay đổi nhanh, điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhằm tránh được những biến chứng nguy hiểm do tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối gây ra.
Hãy cho bé bú mẹ sau khi sinh
Những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, nên cho bé bú sữa mẹ sau sinh. Bởi vì lợi ích từ sữa mẹ rất tốt cho bé, đồng thời việc cho con bú giúp mẹ kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, giảm cân hiệu quả. Từ đó giảm được nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2 về sau này.
Kiểm tra chỉ số đường huyết sau khi sinh
Sau khi sinh em bé khoảng từ 6-12 tuần, mẹ bầu nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và duy trì kiểm tra sau đó từ 1 đến 3 năm. Thường thì phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ thì bệnh sẽ hết sau khi sinh. Nếu xét nghiệm mà bệnh vẫn còn thì có nghĩa bạn đã mắc bệnh tiểu đường type 2. Nhiều nghiên cứu cho rằng có đến 50% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, sẽ bị tiểu đường type 2 sau khoảng từ 5-10 năm sau đó. Vì vậy, bạn cần kiểm tra chỉ số đường huyết của mình theo đúng định kỳ.
Thùy Dung đã bình luận
em mang thai 33 tuần, đi khám phát hiện tiểu đường thai kỳ. Có nguy hiểm không a?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào bạn Dung!
Tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con. Do đó, bạn cần có biện pháp kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ để mẹ có thai kỳ an toàn, thai nhi phát triển tốt. Hãy thăm khám bác sĩ sản khoa và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn nhé.