Theo số liệu thống kê, số người mắc tiểu đường tuýp 2 ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, số người phát hiện bệnh sớm có tỷ lệ khá thấp do các triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt, diễn ra âm thầm khiến phần lớn bệnh nhân chủ quan và bỏ qua nó. Bài viết sau đây nêu ra các triệu chứng cảnh báo tiểu đường tuýp 2, khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu này bạn đừng chần chừ mà nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám ngay nhé.
Mục lục
Tiểu đường type 2 là gì?
Để có thể nhận biết và điều trị kịp thời, điều đầu tiên là bạn phải hiểu rõ bệnh tiểu đường type 2 là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn?
Tiểu đường type 2 (hay đái tháo đường type 2) là một bệnh mạn tính, xảy ra khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi lượng glucose trong máu cao, kèm theo sự bất thường về chuyển hóa carbohydrate, lipid và protein. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách bệnh có xu hướng phát triển sang các bệnh lý mãn tính khác như: thận, mắt, thần kinh và hệ tim mạch.
☛ Đọc chi tiết hơn trong bài: Tiểu đường type 2 – bệnh thời đại mới
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type 2
Trong quá trình nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị các nhà khoa học đã đưa ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc triệu chứng tiểu đường type 2, bao gồm:
- Gia đình có tiền sử bị bệnh đái tháo đường.
- Phụ nữ có tiền sử bị bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Những người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
- Một số người gốc Phi, Alaska, Tây Ban Nha, Latino có nguy cơ mắc cao hơn.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Lười tập thể dục thể thao
- Người gặp phải tình trạng thừa cân béo phì
- Người bị bệnh huyết áp cao
- Người bị rối loạn dung nạp glucose (IGT)
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Người bị tiền tiểu đường
Triệu chứng cảnh báo mắc tiểu đường type 2
Đối với bệnh tiểu đường type 2 việc phát hiện sớm và điều trị kịp mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi việc điều trị sớm sẽ hạn chế được những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là các triệu chứng tiểu đường type 2 mà bạn nên nhớ kỹ.
Đi tiểu thường xuyên
Do lượng glucose (đường) trong máu tăng cao, lượng insulin do tụy tiết ra không đủ để làm nhiệm vụ đưa các phân tử đường vào tế bào. Khi lượng đường đạt đến một ngưỡng nào đó cơ thể sẽ tự động đào thải chúng qua nước tiểu. Trong quá trình này, áp lực thẩm thấu của máu tăng cao, kéo nhiều nước vào lòng mạch dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể đi tiểu nhiều thường xuyên (một ngày có thể đi tới 5 – 7 lít) , đặt biệt là vào buổi đêm.
Cảm thấy khát
Khi lượng đường trong máu tăng cao cơ thể sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo đến cho não. Để cơ thể trở về trạng thái bình thường não sẽ truyền mệnh lệnh đến thận là “ hãy đào thải chúng ra ngoài đi”. Trong quá trình lọc và đào thải glucose, nước từ các mô sẽ được kéo ra ngoài với mục đích làm loãng lượng đường huyết. Điều này sẽ giúp thận đào thải được lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi các mô bị mất nước bạn sẽ cảm thấy khát và muốn uống nhiều nước để bù lại lượng bị thiếu hụt.
Sụt cân
Một trong những triệu chứng tiểu đường type 2 rất khó nhận biết đó là tình trạng sụt cân từ từ. Bởi vì tụy vẫn sản xuất được insulin nhưng không đáp ứng đủ lượng Glucose cần thiết cho tế bào. Nên cơ thể phải chuyển hóa một lượng protein và lipid để đảm bảo việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống hàng ngày, dẫn đến tình trạng giảm khối lượng cơ và mỡ dưới da. Chính vì lý do này mà trọng lượng cơ thể của bạn bị giảm dần dần.
Luôn cảm thấy đói
Trong một số trường hợp bạn luôn có cảm giác đói và thèm ăn. Bởi các tế bào bị thiếu năng lượng do không hấp thu đủ lượng glucose cần thiết. Chính vì điều này mà các tế bào sẽ phát ra tín hiệu yêu cầu cơ thể lạp thêm đồ ăn để cung cấp đủ đường cần thiết giúp duy trì các hoạt động sống. Bởi vậy mà bạn luôn có cảm giác đói và muốn ăn thêm rất nhiều thứ.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng của tiểu đường type 2 do không vận chuyển đủ lượng glucose vào trong tế bào khiến cơ thể bị thiếu năng lượng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Nhiều khi cơ thể mệt mỏi có thể do chế độ ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều carb, tiêu thụ quá nhiều caffein hay các chất kích thích…. Hoặc một số bệnh lý khác như: trầm cảm, stress, bệnh lao, bệnh tuyến giáp, suy tuyến thượng thận.
Khi bạn cảm thấy tình trạng mệt mỏi xuất hiện liên tục kèm theo các triệu chứng được nêu ra trong bài viết này, có thể xác định đây là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường.
Mắt nhìn mờ
Lượng đường dư thừa trong máu có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong mắt, gây ra tình trạng mờ mắt. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Nếu bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời các mạch máu ở mắt bị tổn thương nhiều hơn có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực vĩnh viễn.
Ngứa da
Như đã chia sẻ ở trên, khi lượng glucose dư thừa quá nhiều sẽ được đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu. Điều này sẽ khiến nước và chất lỏng từ các mô khác nhau trong cơ thể bị kéo ra ngoài, đặc biệt là làn da của bạn.
Khi mất nước nhiều sẽ khiến da bị khô dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, bong tróc da. Nhiều lúc còn xuất hiện những vết xước khô có thể gây nên tình trạng nứt trên da, thậm chí còn gây ra nhiều bệnh khác.
Một nguyên khác gây nên tình trạng này là cơ thể bị nhiễm nấm men – triệu chứng thường gặp ở người bị tiểu đường. Khi có dị vật xâm nhập vào cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng bất thường của hệ miễn dịch gây ra các triệu chứng như: ngứa, sưng, mẩn đỏ,…
Nhiễm trùng hoặc lâu lành vết thương
Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu của cơ thể, đồng thời làm suy giảm lưu lượng máu đến các vùng. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình làm liền vết thương của cơ thể do bạch cầu không thể đến và tập trung ở 2 mép vết thương và mô hạt không được hình thành. Chính vì thế, ngay cả những vết cắt hay vết thương nhỏ cũng phải mất vài tuần hoặc vài tháng để chữa lành. Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp vi khuẩn, virus và nấm có thể xâm nhập vào cơ thể gây ra tình trạng nhiễm trùng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng gần 15% người bị tiểu đường có nguy cơ bị loét chân mãn tính do quá trình liền vết thương diễn ra quá chậm.
☛ Xem thêm: Khám bàn chân tiểu đường
Tê bì chân tay
Ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa hoặc tê bì chân tay. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là mạch máu và hệ thần kinh của cơ thể bị tổn thương do lượng đường trong máu quá cao. Triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Xuất hiện những mảng da sẫm màu
Một số trường hợp người bị bệnh đái tháo đường type 2 có thể xuất hiện những mảng da sẫm màu ở vùng cổ, nách hoặc bẹn, đặc biệt là ở những khu có nhiều nếp gấp và nếp nhăn. Tình trạng này và một trong những triệu chứng tiểu đường type 2 mà bạn cần chú ý kĩ vì nó được gọi là rối loạn sắc tố da do có sự bất thường của hormone insulin.
Cần làm gì khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường type 2?
Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo bạn bị bệnh tiểu đường type 2, Việc đầu tiên là người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác có phải mắc bệnh tiểu đường hay không. Bên cạnh đó, có thể áp dụng thêm một số biện pháp tại nhà giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với người bị tiểu đường type 2.
- Bổ sung cho cơ thể thêm nhiều rau xanh, trái cây tươi.
- Hạn chế chất béo cùng các loại hoa quả và bánh kẹp ngọt chứa nhiều đường.
- Áp dụng chế độ giảm cân nếu người bệnh đang thừa cân, béo phì.
- Hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia, thuốc lá cùng các chất kích thích khác.
- Thường xuyên luyện tập thể chất mỗi ngày từ 30-40 phút với các môn tập phù hợp.
- Thư giãn tinh thần, luôn sống vui vẻ, lạc quan giúp ngăn ngừa stress.
☛ Xem chi tiết: Thức ăn tốt nhất cho người tiểu đường type 2
Cách chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2
Những chỉ số quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:
Xét nghiệm HbA1c:
Đây là một loại xét nghiệm máu cho kết quả mức đường trong máu của người bệnh trung bình từ 2-3 tháng gần nhất.
- Mức đường huyết bình thường: <5,7%.
- Tiền tiểu đường từ 5,7% – 6,45.
- Tiểu đường từ 6,55 trở lên.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên:
Khi xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên nếu chỉ số là 200mg/dL (1,1 mmol/L) hoặc chỉ số ở mức cao hơn nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt nếu chỉ số này đi kèm với triệu chứng thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói:
Xét nghiệm này được thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy và đảm bảo bạn chưa dùng bữa sáng.
- Đường huyết bình thường: <100 mg/dL (5,6 mmol/L).
- Tiền tiểu đường: >100 – 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L).
- Tiểu đường: ≥126 mg/dL (7 mmol/L).
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống:
Đây là loại xét nghiệm tiểu đường type 2 ít sử dụng hơn những loại xét nghiệm khác, hầu hết chỉ dùng loại xét nghiệm này cho phụ nữ mang thai. Thai phụ sẽ phải nhịn ăn từ 9h tối hôm trước, sáng hôm sau uống một ly nước đường, sau 2 giờ đồng hồ sẽ được kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ.
- Đường huyết bình thường: <140 mg/dL (7,8 mmol/L).
- Tiền tiểu đường: >140 – 199 mg/dL (7,8 – 11,0 mmol/L).
- Tiểu đường: ≥200 mg/dL (11,1 mmol/L).
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo, bạn nên kiểm tra định kỳ chỉ số tiểu đường type 2 bắt đầu ở tuổi 45, đặc biệt với những trường hợp thừa cân, béo phì, ít vận động, đã từng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường type 2. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Việc nhận biết sớm các triệu chứng tiểu đường type 2 có thể giúp bạn chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Điều trị kịp thời, thay đổi chế độ ăn uống và kiểm soát lượng đường trong máu có thể cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn đồng thời làm giảm nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời dẫn đến lượng glucose trong máu cao, kéo dài sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa đến tính mạng như: cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hoạt tử chân, giảm hoặc mất thị lực hay bệnh về thận. Chính vì thế, việc phát hiện sớm triệu chứng tiểu đường type 2 mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng để ngăn ngừa một số biến chứng này.
☛ Tham khảo thêm: Biến chứng bệnh tiểu đường
Lời kết
Hy vọng với những thông tin chúng tôi chia sẻ về cách nhận biết sớm các triệu chứng tiểu đường type 2 sẽ hữu ích cho các bạn. Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường đã đưa ra ở phía trên đặc biệt lưu ý và tuyệt đối không được chủ quan trước biểu hiện bất thường của cơ thể.
Nguồn tham khảo
- https://www.webmd.com/diabetes/type-2-diabetes-symptoms
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/323185#takeaway
Nguyễn thị duân đã bình luận
chào bác sĩ, tôi năm nay 65 tuổi, khoảng vài tháng gần đây tôi thường hay cảm thấy khát nước nhiều, cân nặng bị sụt vài kg. Nghe mọi người nói các dấu hiệu này rất giống tiểu đường tuýp 2, có phải tôi bị tiểu đường rồi không
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào chị Duân!
Các dấu hiệu mà chị mô tả là những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu chung của một số bệnh lý khác. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác chị có mắc tiểu đường tuýp 2 hay không, chị nên tới các trung tâm y tế chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhé. Sau khi xác định chính xác nguyên nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị cụ thể với trường hợp của chị. Chúc chị sức khỏe!