Nếu như tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở người cao tuổi, người béo phì, thì tiểu đường tuýp 1 lại thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc bất cứ độ tuổi nào. Người mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ phải tiêm insulin hàng ngày để duy trì ổn định đường huyết tránh những biến chứng nguy hiểm như mù hòa, suy thận, đột quỵ, nhiễm trùng, tim mạch… Phát hiện sớm bệnh là một trong những giải pháp giúp ổn định đường huyết sớm. Vậy dấu hiệu của tiểu đường tuýp 1 là gì để có thể phát hiện bệnh sớm nhất?
Mục lục
Tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường tuýp 1 (đái tháo đường tuýp 1) là bệnh mạn tính, còn được gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin do tuyến tụy sản xuất insulin ít hoặc không có, khiến cho tế bào không thể dung nạp đường để sản xuất năng lượng.
Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường tuýp 1: Gen di truyền, sự xâm nhập của virus là những nguyên nhân hàng đầu được xác định có liên quan mật thiết tới tiểu đường tuýp 1. Căn bệnh này có thể phát ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là khi còn trẻ.
Ngoài gen và virus, vấn đề xơ nang, phẫu thuật và viêm ở tuyến tụy cũng là những yếu tố nguy cơ có thể dây ra bệnh tiểu đường tuýp 1.
➤ Xem thêm: Tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không?
Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 1
Không giống với tiểu đường tuýp 2, các dấu hiệu cảnh báo ở người bị tiểu đường tuýp 1 thường đến nhanh, biểu hiện trong thời gian ngắn chỉ khoảng vài ngày hoặc vài tuần, với chỉ số đường huyết cao. Nếu không theo dõi, các dấu hiệu này có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác. Cụ thể:
Triệu chứng tiểu nhiều, khát nhiều
Đây là triệu chứng, biểu hiện đầu tiên và rõ nhất ở người tiểu đường tuýp 1. Người có sức khỏe bình thường, số lần đi tiểu trong ngày dao động khoảng 6-8 lần nhưng đối với người bị tiểu đường số lần đi tiểu sẽ lơn hơn 10. Nguyên nhân là do khi bị tiểu đường tuýp 1, mức độ đường huyết tăng cao trong máu dẫn đến thận sẽ cần phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể do đó người bệnh luôn muốn đi tiểu nhiều lần.
Hệ lụy kéo theo là khi đi tiểu quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể mất nước, người bệnh sẽ cần được bổ sung nước từ bên ngoài vào cơ thể, điều này kích thích lên trung tâm thần kinh để tạo ra cảm giác khát dẫn đến người bệnh phải uống nhiều nước hơn. Đây chính là nguyên do khiến người bệnh khát nước thường xuyên.
Triệu chứng ăn nhiều, đói nhiều
Dấu hiệu đặc trưng tiếp sau tiểu nhiều khát nhiều đó chính là đói nhiều. Mặc dù vẫn ăn đủ bữa song người bệnh lại nhanh chóng có cảm giác đói, thèm ăn.
Nguyên nhân được xác định là do ở người tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy sản xuất ra ít hoặc không sản xuất insulin dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt insulin. Khi cơ thể bị thiếu hụt insulin, lượng đường trong máu không thể chuyển vào trong tế bào để tạo năng lượng. Khi cơ thể cần năng lượng nhưng lại không có đủ năng lượng để hoạt động sẽ kích thích lên tế bào thần kinh trung ương gây ra cảm giác đói và yêu cầu cơ thể nạp bổ sung năng lượng từ ngoài vào. Việc bổ sung năng lượng lúc này chỉ giải quyết được tình trạng hết cảm giác đói chứ không thể chuyển hóa thành năng lượng nếu người bệnh không được bổ sung insulin, nguy hiểm là thức ăn không tạo năng lượng được đồng nghĩa đường huyết lại tăng cao hơn khiến tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Đây chính là vòng luẩn quẩn không tháo gỡ nếu không được bổ sung insulin ở người tiểu đường tuýp 1.
Triệu chứng tiếp là mệt mỏi thường xuyên
Mặc dù đây không phải là triệu chứng nhận biết tiểu đường tuýp 1 rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nhưng lại rất thường gặp ở người mắc tiểu đường. Mệt mỏi thường xuyên không rõ nguyên nhân, người lúc nào cũng cảm giác yếu, mệt và thiếu năng lượng mặc dù ăn uống rất đầy đủ. Nguyên nhân là cơ thể bị thiếu năng lượng do thiếu hụt insulin, khiến thức ăn không thể chuyển hóa thành năng lượng, khi không có năng lượng cho các tế bào thì các tế bào sẽ không thể hoạt động. Do đó người mắc tiểu đường sẽ thường xuyên trong trạng thái đói và mệt mỏi.
Triệu chứng sụt cân nhiều
Ăn nhiều, nhưng vẫn sụt cân? Nghe hơi vô lý nhưng lại rất đúng ở người tiểu đường. Cân nặng giảm bất thường dù ăn uống đầy đủ thậm chí còn nhiều hơn người bình thường là dấu hiệu thứ 4 để phân biệt có phải bệnh tiểu đường. Tuy không phải ai mắc tiểu đường cũng có dấu hiệu này, nhưng đây được xem như 1 dấu hiệu giúp phát hiện phân biệt tiểu đường với các bệnh lý khác khi cũng có những triệu chứng đói nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều như trên.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ đường huyết trong máu cao, cơ thể không dùng đường trong máu để tạo năng lượng. Khi đó cơ thể sẽ bắt buộc phải dùng nguồn khác để tạo ra 1 phần năng lượng cho cơ thể, và nguồn dinh dưỡng đó đến từ mỡ. Mỡ bị co rút vì lấy ra làm năng lượng khiến người bệnh nhanh chóng bị sụt cân nặng. Ngoài ra nếu việc chuyển hóa mỡ thành năng lượng quá nhiều sẽ rất dễ dẫn tới biến chứng nhiễm toan ceton ở người tiểu đường tuýp 1. Khi không được điều trị sớm nguy cơ hôn mê và tử vong sẽ rất cao.
Vết thương lâu lành
Lượng đường trong máu cao khiến cho máu lưu thông kém làm hạn chế hoạt động của các tế bào hồng cầu, bạch cầu. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng đến chữa lành vết thương trở nên khó khăn. Đó là lý do vì sao các vết thương ở người bị tiểu đường thường lâu lành.
Khô ngứa da
Đường huyết tăng cao tạo ra nhiều chất oxy hóa, chúng gây hại đến hệ thần kinh điều tiết mồ hôi và hệ mạch máu nuôi dưỡng da. Hậu quả là làm cho cơ thể bị mất nước, dẫn đến da bị khô, bong tróc và trở nên ngứa ngáy.
Đau nhức đầu
Đường huyết trong máu càng tăng thì càng tiết ra nhiều hoóc-môn epinephrine và norepinephrine. Hai hoóc-môn này có thể làm co mạch máu trong não dẫn đến các cơn đau nhức đầu. Do đó, một cơn đau đầu có thể là dấu hiệu nhận biết lượng đường trong máu tăng cao.
Tê tay chân
Đường huyết cao làm tổn thương đến các dây thần kinh, bao gồm cả những dây thần kinh ngoại vi. Điều này khiến cho người bệnh bị mất cảm giác, thậm chí không cảm nhận được những cơn đau ở tay chân dù là đang vị thương, thay vào đó chỉ là những cơn tê bì tay chân.
Ngoài các triệu chứng tiêu biểu trên người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như thường xuyên bị mờ mắt, chóng mặt, buồn nôn… Nếu gặp phải các triệu chứng này mà không rõ nguyên nhân thì cũng cần xem xét nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1.
Ai có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 1?
Tiểu đường tuýp 1 liên quan đến nhiều yếu tố, và một người nếu ở trong một hoặc vài trường hợp sau sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1:
- Tiền sử của gia đình: Bố mẹ hoặc anh chị em cận huyết mắc tiểu đường tuýp 1
- Yếu tố di truyền: Yếu tố gen đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1. Điều này chỉ được xác định khi xét nghiệm tính di truyền của tiểu đường tuýp 1 ở những người có cha mẹ hoặc anh chị trong gia đình bị tiểu đường tuýp 1. (➤ Chi tiết hơn trong bài: Tính di truyền của bệnh tiểu đường)
- Yếu tố về môi trường sống: Nghe có vẻ không nhiều liên quan nhưng thực tế nghiên cứu của Hội đái tháo đường Thụy Điển đã cho thấy cư dân sống ở càng xa xích đạo thì nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 càng cao. Các con số cho thấy Phần Lan và Sardinia là hai quốc gia có tỉ lệ người mắc tiểu đường tuýp 1 cao nhất, gấp 2,5 lần so với người Mỹ và 400 người ở Venezuela.
- Người nhiễm virus: Cụ thể là một số virus như Epstein-Barr, coxsackievirus, virus quai bị hoặc cytomegalovirus…
Khi nào cần gặp bác sĩ ngay?
Khi cơ thể gặp các triệu chứng trên, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kết luận chính xác xem có phải mắc tiểu đường hay không?
Khi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, người bệnh cần duy trì thăm khám định kỳ để kiểm tra và theo dõi sự tiến triển của bệnh. Theo đó, người bệnh cần theo dõi huyết áp, chân, huyết sắc tố gắn đường HbA1C, triglyceride và cholesterol và Microalbumin để đảm bảo thận vẫn đang hoạt động.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Phương pháp chuẩn đoán tiểu đường hiện nay
Dấu hiệu tiểu đường tuýp 1 biến chứng!
Tiểu đường tuýp 1 ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, buộc người bệnh phải thay đổi lối sinh hoạt theo hướng khoa học, hợp lý. Ngược lại, nếu không có điều chỉnh phù hợp, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng hết sức nguy hiểm như:
Biến chứng cấp tính
- Biến chứng nhiễm toan ceton: khi xảy ra biến chứng này người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như thở nhanh, da khô, hơi thở có mùi, nôn mửa, đau dạ dày…
- Hôn mê, tử vong: nếu như biến chứng nhiễm toan ceton không được điều trị sớm thì người bệnh sẽ chuyển sang trạng thái hôn mê và có nguy cơ tử vong. Do nồng độ ceton trong máu cao sẽ gây độc cho hệ thần kinh và não bộ gây mất kiểm soát, mất nhận thức và đi vào trạng thái hôn mê.
Biến chứng mãn tính
- Tổn thương hoặc suy thận: Các con số thống kê cho thấy, có tới 20-30% người bị tiểu đường tuýp 1 sẽ bị tổn thương thận trong khoảng từ 15-25 năm. Nguy cơ này càng tăng theo thời gian và được xem như một hệ quả tất yếu.
- Bệnh võng mạc (mất thị lực): Những người lớn tuổi đã bị tiểu đường tuýp 1 từ 15 năm trở lên sẽ có khoảng 80% bị bệnh võng mạc, ảnh hưởng tới thị lực gây mờ mắt!.
- Biến chứng thần kinh: Người bệnh có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể khi không có năng lượng để hoat động. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nhận thức tạm thời. Ngoài ra, bệnh nhân còn thường xuyên gặp tình trạng tê bì chân tay, rối loạn cảm giác, nguy hiểm hơn là hiện tượng loét, nhiễm trùng, hoại tử các chi.
- Biến chứng tim mạch: người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim. Hay tình trạng tai biến mạch máu não sẽ khiến người bệnh bị bại liệt hoặc tử vong.
- Ngoài ra, tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương, nhiễm trùng của da,tiết niệu và sinh dục ở nữ…..
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Giải mã: Tiểu đường type 1 có nguy hiểm không?
Chẩn đoán và kiểm soát tiểu đường type 1
Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c) – xét nghiệm huyết sắc tố gắn đường: Nếu chỉ số HbA1c càng cao (từ 6,5% trở lên) sau 2 lần xét nghiệm riêng biệt có nghĩa là bạn đã mắc tiểu đường tuýp 1.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể phải tiến hành thêm xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm máu tổng quan. Đây là điều kiện để các bác sĩ có thể phân loại tiểu đường của bạn cũng như đánh giá tình trạng bệnh của bạn.
➤ Xem thêm: Các phương pháp chẩn đoán tiểu đường hiện nay
Điều trị bệnh tiểu đường type 1 bằng cách nào?
Hiện nay, tiểu đường tuýp 1 vẫn là một bài toán khó đối với y học hiện đại khi chưa có giải pháp điều trị triệt để. Mục tiêu điều trị tiểu đường tuýp 1 hiện vẫn là giữ cho lượng đường trong máu tiệm cận mức bình thường và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1, các bác sĩ có thể sử dụng insulin, dùng tuyến tụy nhân tạo, Aspirin hoặc một số loại thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
➤ Chi tiết: Phác đồ điều trị tiểu đường type 1
Theo dõi đường huyết thường xuyên, sử dụng thực phẩm lành mạnh và chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp là một phần tất yếu không thể thiếu nếu muốn điều trị tiểu đường tuýp 1 hiệu quả. Có như vậy, tiểu đường tuýp 1 sẽ không trở thành nỗi lo sợ thường trực của mỗi người bệnh.