Gần 60 năm qua, ông Nguyễn Văn Giáo (78 tuổi, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và bà Đỗ Thị Nhẫn (80 tuổi) vẫn hết lòng yêu thương nhau. Dù cuộc sống có khó khăn song hai ông bà vẫn luôn bên nhau để cùng nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.
Đến ngôi nhà ông Nguyễn Văn Giáo ai cũng đều ngạc nhiên bởi vẻ ngoài bề thế. Nằm trên mảnh đất rộng hơn 2.500 m2 là 5 căn biệt thự của gia đình ông Giáo có thiết kế giống nhau y hệt từ trong phòng ra tới nhà bếp. Có được khu nhà khang trang như vậy, vợ chồng ông Giáo đã phải lặn lội sớm hôm suốt mấy chục năm qua, tích cóp từng đồng. Ông Giáo kể: “Ngày trước tôi với bà ấy đến với nhau đâu có do tìm hiểu gì. Bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lấy nhau về rồi tự bảo nhau làm ăn rồi sinh con đẻ cái. Ở với nhau lâu nó sinh tình cảm rồi quý mến nhau lúc nào không biết. Lâu dần sống chả thiếu được nhau”.
Nhớ lại gần 60 năm trước, khi ông bà quyết định “góp gạo thổi cơm chung” gia cảnh hai bên đều rất nghèo khó. Ngày ấy, ông Giáo theo làm nghề mộc còn bà Nhẫn làm trong tổ giao lương của xã. Mặc dù hai vợ chồng đều tích cực làm ăn song gia đình vẫn bữa đói bữa no. Sau này, nhờ nỗ lực của cả hai vợ chồng cuộc sống mới khấm khá hơn. Mặc dù khó khăn song ông bà vẫn luôn cố gắng hết mình để nuôi dạy con cái trưởng thành, nên người.
Vợ chồng ông Giáo cùng đứa chắt nội gần được 2 tuổi.
Có với nhau 6 người con, năm trai một gái. Hiện nay, các con ông bà đều đã trưởng thành nên người. Anh con cả, anh Nguyễn Văn Dung làm bên quân đội còn những người con khác đều theo nghề mộc của cha để lại. Điều khác biệt trong gia đình ông Giáo đó là nét sinh hoạt. Gia đình ông có lập một công ty riêng, Công ty sản xuất và kinh doanh Thành Đạt và làm nông nghiệp. Hàng ngày, mọi người đều có phần việc riêng phù hợp với bản thân, ngày ngày đi cấy cày, làm mộc, bán hàng nhưng không chấm công và không lĩnh lương tháng. Toàn bộ số tiền thu được từ những nguồn này đều rót về một túi, thuộc sở hữu chung.
Ông Giáo chỉ chi tiền vào những công to việc lớn như làm nhà cho anh em, con cháu, đầu tư sản xuất kinh doanh. Còn hàng tháng tiền chung từ "công ty" chi thêm cho mỗi gia đình vài triệu để lo chuyện chợ búa, bếp núc, quần áo, học hành… theo nguyên tắc đảm bảo sự công bằng. “Nguyên tắc” này được gia đình ông duy trì suốt mấy chục năm qua, hiện nay, 4 thế hệ trong gia đình vẫn sống chung trong 5 căn biệt thự không có vách tường ngăn cách.
“Dù chỉ là một viên gạch ngăn cách thôi cũng sẽ làm cho tình cảm anh em trong gia đình theo đó mà rạn nứt. Vì vậy, 5 ngôi nhà tôi xây dựng giống nhau, không hơn nhau dù chỉ một bao xi-măng, một viên gạch”, ông Giáo kể lại. Nhờ giữ nếp sống quy củ và gia giáo ngay từ những ngày đầu nên các thành viên trong gia đình ông đều biết tự giác và chăm sóc nhau.
Hàng ngày, sau mỗi giờ làm việc các thành viên trong gia đình lại giúp nhau làm việc nhà, không ai so bì với ai. Nhìn các con cháu hạnh phúc trong ngồi nhà chung, vợ chồng ông Giáo như được an ủi vì những cố gắng, vất vả của mình được đền đáp. Hiện nay, các thành viên đang tập “ăn riêng” song những nếp cũ của gia đình vẫn không hề thay đổi.
Cao Nguyên