Bệnh tiểu đường tuýp 2 đang trở thành căn bệnh mãn tính phổ biến, thường gặp hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về những biến chứng nguy hiểm mà căn bệnh này có thể gây ra. Nếu bạn đang mắc bệnh hoặc đang quan tâm đến tiểu đường tuýp 2 thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về các biến chứng của bệnh.
Mục lục
Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường là bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng glucose máu. Tiểu đường được phân làm nhiều loại như tiểu đường tuýp 1 (Tiểu đường phụ thuộc insulin), tiểu đường tuýp 2 (Tiểu đường không phụ thuộc insulin), tiểu đường thai kỳ và các tuýp tiểu đường đặc biệt khác. Đặc biệt, trong tổng số bệnh nhân tiểu đường, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên đến hơn 90%.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Các tuýp bệnh tiểu đường – cách phân loại mới nhất!
Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện khi bạn bước vào độ tuổi trung niên trên 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi mắc bệnh lý này đã mở rộng hơn, xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ trẻ em, thanh thiếu niên trẻ tuổi.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây bệnh tiểu đường tuýp 2 là do yếu tố di truyền, môi trường (tuổi cao, béo phì, ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, stress), rối loạn quá trình tiết insulin và hiện tượng kháng insulin.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 gây tăng lượng đường trong máu, gây ra các triệu chứng ban đầu trên cơ thể bạn như đói, mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, da ngứa và khô, khô miệng, mắt mờ.
Đặc biệt, tình trạng tăng glucose máu kéo dài trong bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, gây ra các biến chứng nghiêm trọng trên mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
☛ Tham khảo bài viết: Cách chẩn đoán sớm tiểu đường tuýp 2
Biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường không có những biểu hiện điển hình, rõ ràng, vì vậy bạn thường không phát hiện được căn bệnh này ở giai đoạn sớm. Và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường tuýp 2 tiếp tục tiến triển có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Biến chứng cấp tính
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra đột ngột, tổn thương nặng và diễn biến nhanh, nếu không được điều trị hay cấp cứu kịp thời có thể khiến người bệnh tử vong.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng glucose trong máu giảm xuống dưới 3,9mmol/l. Biến chứng này có thể xảy ra khi bạn đang thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng quá liều các thuốc hạ đường huyết, dùng thuốc khi đói hoặc hoạt động thể lực cường độ cao, quá mức.
Khi bị hạ đường huyết, bạn sẽ có cảm giác đói, tim đập nhanh, mạnh, vã mồ hôi, hoa mắt, mệt mỏi, nhức đầu, nói líu lưỡi, run rẩy, cử chỉ chậm chạp,..
Nếu nồng độ glucose trong máu giảm quá thấp mà không được cung cấp, cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.
Nhiễm toan ceton
Bệnh tiểu đường gây tăng các hormon gây tăng đường huyết và thiếu hụt insulin, do đó làm giảm chuyển hóa glucose, tăng phân giải lipid, tăng tổng hợp thể ceton dẫn đến nhiễm toan ceton.
Hậu quả là cơ thể bạn bị nhiễm độc do máu bị toan hóa. Bạn có thể nhận ra biến chứng này qua một số triệu chứng điển hình như: chán ăn, cảm thấy khát nhiều, uống nhiều nước, rát họng, đau đầu, đau bụng, tiểu tiện, đại tiện nhiều lần trong ngày, thở ra mùi ceton, xét nghiệm nước tiểu có chứa ceton.
Nếu bạn bị nhiễm toan ceton nhưng không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể gây hôn mê do nhiễm toan ceton, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (Hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton)
Đây là biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Đặc biệt, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi tuổi đã cao thì nguy cơ xảy ra biến chứng này sẽ tăng cao hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi.
Nguyên nhân gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu là do tình trạng glucose máu tăng rất cao, gây mất nước nặng do tăng đường niệu và lợi tiểu thẩm thấu.
Khi áp lực thẩm thấu lớn hơn 320 – 330 mOsm/kg, các nơron hệ thần kinh trung ương bị mất nước sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng lú lẫn, hôn mê.
Nhiễm toan acid lactic
Nhiễm toan acid lactic là một biến chứng nghiêm trọng mà bạn có thể gặp phải trong quá trình điều trị tiểu đường tuýp 2. Biến chứng này hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng này thường xuất hiện đột ngột và dẫn đến hôn mê rất nhanh chỉ sau vài giờ. Vì vậy, nếu bạn hay người thân trong gia đình bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cần đặc biệt chú ý đến tình trạng này.
Nguyên nhân gây nhiễm toan acid lactic là do nồng độ acid lactic trong máu tăng quá cao. Bệnh nhân nôn nhiều, rối loạn ý thức, giảm thân nhiệt, giảm huyết áp, da tái nhợt, thiểu niệu hoặc vô niệu, rối loạn nhịp thở.
2. Biến chứng mãn tính
Biến chứng mạch máu lớn
Tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài, sự ngộ độc đường trực tiếp hoặc gián tiếp, tình trạng kháng insulin xảy ra khi bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ dẫn đến hậu quả là xơ vữa ở mạch máu trung bình và lớn.
Sự xơ vữa động mạch xuất hiện sớm, lan rộng ảnh hưởng đến các mạch máu ở xa, gây ra các bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên…Trong đó bệnh lý mạch vành là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất.
Bệnh lý mạch vành:
Bệnh xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa lipid và tình trạng xơ vữa động mạch. Nghiên cứu cho thấy khoảng 75% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 mắc bệnh lý mạch vành.
Khi bị biến chứng mạch vành do tiểu đường, bạn sẽ không có những triệu chứng rõ ràng như người mắc bệnh mạch vành thông thường nhưng lại có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với người mắc bệnh mạch vành không kèm theo tiểu đường.
Biến chứng vi mạch
Tình trạng tăng đường huyết kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ. Tổn thương sẽ tiến triển nặng hơn nếu bạn bị tăng huyết áp kèm theo.
Ba biến chứng vi mạch chính mà bạn có thể gặp phải khi bị tiểu đường tuýp 2 gồm: Biến chứng võng mạc, biến chứng thận và biến chứng thần kinh.
Biến chứng võng mạc
Biến chứng ở mắt với các mức độ khác nhau có thể gặp ở khoảng 20% những người mắc tiểu đường và ảnh hưởng đến trên 80% bệnh nhân tiểu đường từ 20 năm trở nên.
Biến chứng võng mạc xảy ra do đường huyết của bạn cao kéo dài, kèm theo tình trạng tăng huyết áp và lượng cholesterol trong máu tăng cao dẫn tới tổn thương các mạch máu võng mạc, gây bệnh lý võng mạc.
Biến chứng võng mạc có thể khiến võng mạc của bạn bị tổn thương nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, bong võng mạc,… gây giảm thị lực và dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng thần kinh
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn cần biết rằng đường huyết quá cao và huyết áp cao kéo dài xảy ra trong căn bệnh này có thể gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, dẫn đến tổn thương thần kinh trên khắp cơ thể:
- Tổn thương thần kinh ngoại vi: Tùy vào vùng thần kinh bị ảnh hưởng mà bạn sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau. Biểu hiện thường gặp là cảm giác tê như có kiến bò, bỏng rát, teo cơ, đau… ở các chi trên cơ thể.
- Tổn thương thần kinh thực vật: Hệ thần kinh thực vật (Hệ thần kinh tự chủ) có vai trò điều hòa huyết áp, chi phối hoạt động của các cơ quan trong cơ thể như hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục.
Triệu chứng thường gặp khi bạn bị tổn thương thần kinh thực vật là tụt huyết áp, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, liệt bàng quang, rối loạn tiêu hóa, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục…
Biến chứng cầu thận
Biến chứng ở thận được coi là biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng và tốn kém nhất đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Các mạch máu nhỏ ở cầu thận bị tổn thương trong bệnh tiểu đường, gây ra nhiều bệnh lý ở thận như suy thận, xơ cầu thận, hội chứng thận hư, đái ra protein vi thể, viêm đài bể thận, hoại tử nhú thận…
Trong thời gian đầu bị bệnh, bạn sẽ không có biểu hiện bất thường nào trên cơ thể do thận vẫn có thể tăng hoạt động chức năng để bù đắp lại các tổn thương.
Vì vậy, bạn sẽ rất khó phát hiện được biến chứng suy thận trong bệnh tiểu đường tuýp 2 ở giai đoạn sớm.
Đa số người mắc bệnh tiểu đường chỉ phát hiện ra biến chứng suy thận ở giai đoạn muộn. Lúc này tổn thương mạch máu tăng lên quá nhiều nhưng thận không bù trừ được dù đã hoạt động mạnh hơn.
Bệnh lý bàn chân
Chi dưới là khu vực dễ bị tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là bàn chân. Biến chứng trên bàn chân có thể xảy ra khi bạn bị tổn thương dây thần kinh hay giảm tuần hoàn máu đến các chi dưới.
Khi bị bệnh lý bàn chân, bạn sẽ bị rối loạn cảm giác, ngứa, tê bì, mất cảm giác đau hay cảm giác nóng, lạnh, vì vậy không nhận ra mình bị thương.
Nếu không được điều trị đúng cách, dù chỉ là một vết thương nhỏ cũng có thể dẫn đến loét, lâu lành và hoại tử, nguy cơ nhiễm trùng cao. Tổn thương quá nghiêm trọng có thể dẫn đến việc bạn phải cắt cụt chi để ngăn nhiễm trùng lan rộng.
☛ Xem chi tiết hơn: Khám bàn chân tiểu đường!
Biến chứng nhiễm khuẩn
Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn có thể gặp phải các biến chứng do nhiễm khuẩn như mụn nhọt, loét, hoại tử, lao phổi…
Nguyên nhân của tình trạng này là do đường huyết cao và suy giảm đề kháng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, ví dụ như liên cầu, trực khuẩn lao….
3. Biến chứng trong thời kỳ mang thai
Trong thai kỳ, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến những nguy hiểm cho cả bạn và trẻ.
Đối với trẻ, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân, tăng nguy cơ tai biến sản khoa, trẻ sau sinh có nguy cơ cao hạ đường huyết đột ngột.
Ngoài ra, trong suốt thai kỳ nếu trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao thì trong quá trình trưởng thành sẽ có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn so với các trẻ bình thường khác.
Đối với người mẹ, bạn sẽ gặp nguy cơ nhiễm toan ceton cao, tăng huyết áp thai kỳ, các bệnh lý về mắt và tiền sản giật.
➤ Tìm hiểu thêm: Tiểu đường khi đang mang thai!
4. Một số biến chứng thường gặp khác
- Biến chứng ngoài da và miệng: Ngứa, nổi mụn nhọt, vàng lòng bàn tay, bàn chân, viêm da do nấm, vi khuẩn…
- Biến chứng trên mắt: Đục thủy tinh thể, loét giác mạc, glocom, xuất huyết thể kính.
- Biến chứng ở hệ hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm.
- Biến chứng hệ tiêu hóa: Rụng răng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan, viêm dạ dày.
- Suy giảm trí nhớ, bệnh xương khớp.
Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2?
Tuân thủ việc điều trị bằng thuốc
Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn cần dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Tổng hợp các loại thuốc chữa tiểu đường hiệu quả
Chế độ ăn uống lành mạnh
Kiểm soát tốt lượng đường hấp thu vào cơ thể bằng cách:
- Giảm lượng tinh bột, đường trong chế độ ăn hàng ngày.
- Giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, các chất dầu mỡ.
- Bổ sung vào thực đơn thêm nhiều chất xơ hòa tan, các loại hoa quả không làm tăng đường huyết như bưởi, cam, xoài, thanh long, dâu tây..
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường type 2 đạt chuẩn y khoa
Tập luyện thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt, kiểm soát cân nặng, làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Hạn chế uống rượu
Uống nhiều rượu có thể khiến bạn bị tăng đường huyết, làm nặng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra rượu còn có thể tương tác với nhiều loại thuốc sử dụng trong bệnh tiểu đường, thuốc tim mạch, thuốc hạ mỡ máu,.. làm giảm tác dụng của thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ có hại. Vì vậy bạn nên hạn chế uống rượu nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, bạn nên đến bệnh viện 2 – 3 tháng/lần để kiểm tra sức khoẻ, kiểm tra đường huyết, HbA1c để đánh giá sơ bộ kết quả điều trị và có hướng điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
Bên cạnh đó, có thể chủ động kiểm tra đường máu của mình bằng các loại máy đo đường máu tại nhà được dùng rất phổ biến hiện nay.
Chuyên gia cảnh báo những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Lời kết
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm khiến tiểu đường tuýp 2 trở thành bệnh lý mạn tính mà người bệnh phải chung sống cả đời. Chính vì vậy, hiểu rõ các biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ giúp bạn có cách chăm sóc sức khỏe hợp lý để góp phần hạn chế và cải thiện hậu quả do biến chứng bệnh lý này gây ra. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn chung sống khỏe mạnh cùng căn bệnh này.
Tài liệu tham khảo:
Complications of diabetes
https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications
Type 2 diabetes
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/symptoms-causes/syc-20351193