Mọi người bệnh tiểu đường đều có nỗi lo sợ chung với căn bệnh mình đang mắc phải, đó là những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Vậy người bệnh tiểu đường có thể gặp phải những biến chứng nào? Có giải pháp nào để ngăn ngừa biến chứng hay không. Nếu bạn có cùng những thắc mắc trên thì đây là bài viết bạn nên đọc, thông tin trong mà bài viết đề cập sẽ cho bạn câu trả lời.
Mục lục
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường và chỉ số đường huyết
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh làm cho đường máu của người bệnh tăng cao mạn tính. Do sự rối loạn chuyển hóa đường gây ra bởi sự thiếu hụt Insulin hoặc đề kháng với hormon này.
Bình thường chỉ số đường máu được kiểm soát ở trong khoảng 3.9-6.4 mmol/L. Có sự dao động nhỏ không đáng kể về chỉ số này vào nhiều thời điểm trong ngày.
Với người bệnh tiểu đường, khi làm xét nghiệm đường máu (Gl) sẽ cho những kết quả:
✔ Đường máu ngẫu nhiên: Gl ≥ 11.1 mmol/L
✔ Đường máu lúc đói: Gl ≥ 7 mmol/L
✔ Xét nghiệm dung nạp Glucose: Gl ≥ 11.1 mmol/L
✔ Chỉ số xét nghiệm HbA1c ≥ 6.5%
➤ Xem thêm: Cách đọc đúng các chỉ số tiểu đường
Phân loại bệnh tiểu đường
- Đái tháo đường tuýp 1: Thường gặp ở bệnh nhân dưới 30 tuổi, chiếm từ 10-20% số ca mắc bệnh.
- Đái tháo đường tuýp 2: Khởi phát ở người trên 30 tuổi. Chiếm từ 80-90% tổng số ca bệnh còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc hormon Insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: Tình trạng tăng Glucose máu nhưng mức độ thấp hơn bệnh đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, cảnh báo những nguy cơ sản khoa bất lợi.
- Một số tuýp khác hiếm gặp: Thiếu hụt di truyền chức năng tế bào tụy, nhiễm khuẩn, tiểu đường thứ phát sau bệnh nội tiết, nhiễm độc hóa chất…
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Cách phân loại mới nhất các tuýp tiểu đường
Bệnh tiểu đường diễn biến thầm lặng, trong thời gian dài, đa số người bệnh đều được phát hiện ở giai đoạn muộn của bệnh. Do đó, người bệnh hay gặp những biến chứng nguy hiểm.
Bạn hãy cùng xem bệnh tiểu đường gây ra những biến chứng nào? Và giải pháp nào dành cho bạn.
Biến chứng tiểu đường có nguy hiểm không?
Tiểu đường là vấn đề sức khỏe của toàn cầu do sự gia tăng nhanh chóng số lượng người bệnh và ngày càng trẻ hóa. Ước tính đến năm 2030 trên thế giới sẽ có tới hơn 600 triệu ca mắc bệnh.
Những thống kê gần đây cho thấy. Cứ 32 giây lại có 1 bệnh nhân phải cắt cụt chân vì bệnh tiểu đường. Đủ để thấy được sự nguy hiểm mà bệnh đái tháo đường gây ra.
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên biến chứng nguy hiểm tại cơ quan đích như: tim, suy thận, mờ mắt, mù lòa, thần kinh và mạch máu, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
Các biến chứng của bệnh được chia thành 2 nhóm chính là: Biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
Biến chứng chuyển hóa cấp tính ở người tiểu đường
Hôn mê do nhiễm toan Ceton
Thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 do không được điều trị hoặc điều trị sai cách.
Người bệnh có những biểu hiện như:
- Khát, khô da, niêm mạc, mất nước.
- Hơi thở có mùi hôi(mùi táo thối).
- Đau bụng, buồn nôn, nôn.
Hôn mê do tăng thẩm thấu
Thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 lớn tuổi với những biểu hiện:
- Mệt nhiều, tiểu nhiều, khát nước nhiều, mắt nhìn mờ. Dấu hiệu của mất nước: yếu, mệt mỏi nhiều, chán chán, khô da và niêm mạc, mạch nhanh, tăng huyết áp.
- Người bệnh lơ mơ, ngủ gà, ngủ gật, hôm mê.
- Thường diễn ra trong vài ngày đến vài tuần.
Hôn mê do nhiễm axit lactic
Hiếm gặp nhưng tiên lượng rất nặng, do người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết huyết quá mức, đặc biệt ở người già, suy thận.
Dấu hiệu nhận biết:
- Đau toàn thân, ngực, bụng, đau cơ, mỏi cơ, chuột rút.
- Rối loạn tiêu hóa nặng.
- Khó thở, người mất nước, trụy mạch.
Biến chứng mạn tính ở người tiểu đường
Biến chứng nhiễm khuẩn ở người bệnh tiểu đường
- Nhiễm khuẩn da, niêm mạc, mụn nhọt, viêm mủ chân răng… Dai dẳng, hay tái phát, thường rất nặng nên phải điều trị sớm.
- Nhiễm nấm trong miệng, vùng kín, nách, bẹn.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu triệu chứng kín đáo như: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm đài bể thận cấp có thể dẫn tới suy thận.
- Viêm bộ phận sinh dục: Viêm âm đạo, âm hộ và phần phụ ở phụ nữ mắc tiểu đường.
- Lao phổi và lao thận là hai thể bệnh lao rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, diễn biến kín đáo, tiềm tàng.
Biến chứng thoái hóa
- Bệnh võng mạc mắt : Với biểu hiện ở người bệnh là mắt nhìn mờ. Phân biệt với các tật của mắt bằng cách đeo kính vào, người bệnh vẫn thấy mắt nhìn bị mờ.
- Biến chứng thần kinh tự chủ: Thần kinh tự chủ hoạt động không chịu sự kiểm soát của ý thức.
- Biến chứng thần kinh tự động chi phối tim mạch làm cho nhịp tim nhanh hơn, có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, hạ huyết áp tư thế (khi thay đổi tư thế đứng, ngồi đột ngột).
- Thần kinh chi phối tiêu hóa: Người bệnh có những triệu chứng như: Đầy bụng, khó tiêu, ợ chua ợ hơi, buồn nôn và nôn. Kèm theo theo dấu hiệu táo bón và tiêu chảy.
- Thần kinh chi phối hệ tiết niệu-sinh dục: Gây ra chứng khó tiểu, đi tiểu không hết bãi. Cùng với một số bệnh sinh dục gặp ở cả nam và nữ.
- Thần kinh vận mạch: Gây tăng tiết mồ hôi hoặc giảm tiết mồ hôi khiến cho da bị khô, rụng lông, bong tróc da.
- Hạ đường huyết: Rối loạn tiết hormon Glucagon (tác dụng đối lập với Insulin) làm hạ đường huyết.
Biến chứng thần kinh ngoại vi
Đây có thể là một trong những dấu hiệu nhận biết biến chứng bệnh tiểu đường rõ nhất mà người bệnh cảm nhận được.
Đầu ngón tay, ngón chân tiếp nhận cảm giác kém: Dấu hiệu kiến bò, tê bì chân tay, cảm giác với nhiệt độ, tiếp xúc kém đi.
Biến chứng cầu thận
Bệnh cầu thận do đái tháo đường làm suy giảm chức năng sinh lý bình thường của thận, chất độc, thuốc, lắng đọng tại thận. Gây tăng huyết áp, hủy hoại tế bào thận.
Ở giai đoạn cuối của biến chứng này, người bệnh phải lọc thận để duy trì sự sống.
Bệnh mạch vành
Gây ra cơn đau thắt ngực do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, thậm chí gây nhồi máu cơ tim cấp tính. Có khi nhờ các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, người bệnh mới được phát hiện bệnh tiểu đường.
Bệnh mạch máu của não
Tình trạng rối loạn ý thức ở người bệnh: Liệt mặt, liệt nửa người, khó nói, khó nuốt, mất thăng bằng khi đi lại…
Bệnh mạch máu ngoại vi
Là những mạch máu xa trung tâm (tim), điển hình là triệu chứng đau cách hồi ( đi vài bước lại đau, nghỉ một lúc đi lại đau), tím tái ở đầu chi, chân lạnh.
Do thần kinh mà mạch máu thoái hóa, cơ quan càng xa tim càng có nguy cơ hoại tử.
Cách phòng tránh biến chứng tiểu đường dành cho bạn
Kể cả khi bạn đã mắc bệnh hay chưa mắc bệnh, những giải pháp sau đây sẽ giúp bạn kiểm soát đường máu. Hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra biến chứng. Những không được quên tiêm thuốc, uống thuốc mà bác sĩ đã chỉ định hằng ngày.
Tập thể dục thường xuyên
Quá trình vận động, tập luyện hằng ngày giúp cơ thể tiêu tốn năng lượng, từ đó tăng sự nhạy cảm của tế bào với hormon Insulin. Đường được đưa vào trong tế bào nhiều hơn để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Từ đó góp phần làm giảm lượng đường trong máu.
Bạn cũng nên lựa chọn cách tập luyện phù hợp với sức khỏe của mình hiện tại, điều độ, hằng ngày đều phải thực hiện. Không vận động quá sức mình, điều này không hề tốt với mọi loại bệnh tật.
Đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng sẽ là gợi ý tốt cho bạn. Hơn nữa, sau bữa ăn, lượng đường máu sẽ tăng lên, lúc này bạn không nên đi ngủ luôn hay nằm nghỉ mà nên đi lại nhẹ nhàng trong nhà, làm công việc gì đó khiến cơ thể không nằm yên một chỗ.
Chế độ ăn uống thế nào là phù hợp
Thực phẩm chứa nhiều tinh bột như: Gạo, bánh mì, khoai mì, mì tôm… Khi ăn vào sẽ được enzym phân giải thành Glucose, đây là nguyên nhân chính gây tăng đường máu sau bữa ăn.
Bằng việc bạn sẽ ăn nhiều loại thức ăn khác thay thế như: Ăn nhiều rau hơn, nhiều thịt cá hơn… là bạn đã giảm bớt lượng tinh bột đưa vào cơ thể.
Glucose có trong các loại bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt… là nguồn cung cấp một lượng lớn đường vào trong cơ thể. Nên phải dùng thật ít đi hoặc là kiêng đồ ngọt.
➤ Đọc thêm: Tiểu đường nên ăn gì kiêng gì?
Chăm sóc bản thân theo cách này
Trong các biến chứng của bệnh, có biến chứng nhiễm trùng da, lở loét ở chân tay có thể khiến cho người bệnh phải cắt cụt chi để bảo vệ các cơ quan khác.
Do đó, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc da, chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng sẽ hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể qua da. Các hoạt động cần tránh xây xát, bị thương tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập, vết thương khó cầm máu, dẫn đến hoại tử.
Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Không nên dừng thuốc đột ngột hoặc tiêm thuốc quá liều. Như vậy sẽ rất khó kiểm soát đường máu ở mức bình thường.
Giữ tinh thần thoái mái
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những tác nhân gây căng thẳng, stress không đáng có vừa góp phần phòng bệnh tim mạch vừa giúp cho quá trình điều trị bệnh được tốt hơn.
Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là phần rất quan trọng, nhờ đó bạn có thể biết được các phương pháp điều trị mà bạn đang thực hiện có tốt không, tiến triển của bệnh như thế nào?. Có nên duy trì thói quen sinh hoạt của bạn hiện tại không?
Xét nghiệm HbA1c được chỉ định sẽ đánh giá được khả năng kiểm soát đường máu của cơ thể trong khoảng 2-3 tháng gần nhất. Vì vậy, khoảng thời gian từ 6 tháng một lần là lý tưởng để kiểm tra sức khỏe.
Trong quá trình điều trị bệnh, bạn nên lưu lại liên lạc của bác sĩ, báo cáo lại tất cả những dấu hiệu bất thường mà bạn đang gặp phải.
Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị thêmmáy đo đường máu tại nhà. Điều này sẽ giúp bạn cũng như bác sĩ điều trị kiểm soát được sự thay đổi bất thường của chỉ số đường huyết.
Lời kết
Bài viết vừa rồi đã giúp cho bạn có cái nhìn tổng quát về các biến chứng mà bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải. Từ biến chứng cấp tính đến những biến chứng mạn tính dai dẳng. Ngoài ra, những gợi ý cuối bài là điều bạn cần quan tâm lúc này để phòng tránh biến chứng do bệnh gây ra.
Tham khảo thêm tại đây
- https://www.diabetes.org/diabetes/complications
- https://my.clevelandclinic.org/health/articles/10675-diabetes-preventing-complications