Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tiểu đường là việc làm cần thiết để giúp quá trình điều trị bệnh đạt được hiệu quả tốt nhất. Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 2có thể là người thân bệnh nhân, điều dưỡng bệnh viện, bác sĩ thăm khám, hay chính bản thân người bệnh. Mỗi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe khác nhau, do đó cần có một kế hoạch phù hợp với lối sống, thói quen ăn uống và mức độ bệnh của họ.
Mục lục
Kế hoạch chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân tiểu đường type 2
1. Đánh giá tình trạng bệnh nhân
Việc đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân là bước đầu tiên trong quá trình lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 2. Điều này bao gồm việc:
- Kiểm tra đường huyết (HbA1c) để đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng gần đây.
- Đánh giá các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao và bệnh tim mạch.
- Kiểm tra tình trạng biến chứng: mắt, thận, chân tay, và hệ thần kinh.
2. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát tiểu đường hiệu quả. Các nguyên tắc cần lưu ý gồm:
- Kiểm soát lượng carbohydrate: Ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI) như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và quả tươi.
- Giảm đường và chất béo bão hòa: Hạn chế các món ăn nhiều đường và mỡ động vật.
- Bổ sung chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ giúp ổn định đường huyết, tăng cảm giác no lâu và hỗ trợ tiêu hóa.
Xây dựng thực đơn hàng ngày cho bệnh nhân tiểu đường type 2 cần được thiết kế để cân bằng giữa lượng carbohydrate, protein và chất béo.
3. Xây dựng chế độ luyện tập thích hợp
Tập thể dục giúp tăng cường độ nhạy insulin, hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch. Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân tiểu đường type 2, vì họ thường gặp phải các biến chứng liên quan đến tim mạch và huyết áp. Các hình thức bài tập phụ thuộc tình trạng người bệnh có thể là: đi bộ, đạp xe, bơi lỗi, yoga…
Cần đảm bảo trước và sau luyện tập đường huyết không hạ quá thấp hoặc tăng quá cao, kiểm tra thông qua máy đo đường huyết cá nhân.
4. Quản lý dùng thuốc
Một số loại thuốc phổ biến mà bệnh nhân tiểu đường type 2 thường được kê toa bao gồm:
- Metformin: Giảm lượng glucose do gan sản xuất.
- Sulfonylureas: Tăng cường khả năng tiết insulin của tuyến tụy.
- Insulin: Được sử dụng khi các loại thuốc khác không thể kiểm soát đường huyết đủ hiệu quả.
Đảm bảo người bệnh dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và tránh tự ý điều chỉnh. Để đánh giá hiệu quả của thuốc, bệnh nhân nên đo đường huyết thường xuyên và báo cáo cho bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào về triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm.
5. Theo dõi và quản lý biến chứng tiểu đường type 2
Tiểu đường type 2 nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: đau tim, đột quỵ, suy thận, các bệnh về võng mạc mắt, đau, tê mất cảm giác tay chân…. chính vì vậy cần kiểm ra đường huyết định kỳ hàng ngày để kiểm soát tình trạng bệnh. Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm biến chứng.
Mẫu kế hoạch chăm sóc sức khỏe tiểu đường tuype 2
Mẫu kế hoạch chăm sóc sức khỏe tiểu đường type 2 tại nhà
1. Xác định những công việc cần làm để chăm sóc sức khỏe tiểu đường:
- Giảm cân, nếu bị thừa cân, béo phì
- Cần đạt được các mục tiêu ABC cho bệnh tiểu đường của bạn:
- A: A1C (lượng đường huyết trung bình)
- B: huyết áp
- C: cholesterol.
- Phối hợp với đội ngũ chăm sóc y tế.
- Lên kế hoạch giúp bạn đạt mục tiêu.
- Theo dõi các chỉ số của bạn.
- Điều chỉnh thay đối kế hoạch để giữ đúng hướng đạt mục tiêu của bản thân.
- Ghi chép lại các chỉ số của bản thân hàng ngày
2. Đặt mục tiêu 3 chỉ số
- Chỉ số đường huyết: Mục tiêu chỉ số đường huyết của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) như sau: trước ăn 70-130 mb/dL và sau ăn 2 giờ dưới 180 mg/dL. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết con số về chỉ tiêu đường huyết của mình. Theo dõi chỉ số đường huyết hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để đưa ra những con số trung bình sau đó đối chiếu với mục tiêu cần đạt
- Chỉ số huyết áp: Huyết áp cao thường đi liền với tiểu đường chính vì vậy cũng cần thường xuyên kiểm tra huyết áp của mình. Chỉ số huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg. Ghi các kết quả đo huyết áp của mình để đối chiếu với mục tiêu cần đạt.
- Mỡ máu: mục tiêu nồng độ mỡ trong máu cần đạt là: LDLcholesterol < 70 mg/dL, HDL cholesterol > 40 mg/dL(đối với nam) và > 50 mg/dL(đối với nữ), triglycerides <150 mg/dL, cholesterol < 170mg/dL.
3. Xây dựng kế hoạch đạt mục tiêu 3 chỉ số
Tham khảo ý kiến bác sĩ để tự thiết lập chế độ bao gồm: ăn uống, hoạt động thể chết, sử dụng thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh tiểu đường type 2 để đạt được mục tiêu 3 chỉ số về đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Mẫu kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 2 tại bệnh viện
1. Nhận định tình trạng người bệnh
Các câu hỏi đến từ điều dưỡng viên:
- Mắc bệnh từ bao giờ?
- Mỗi bữa bao nhiêu bát, ăn ngày mấy bữa?
- Uống được bao nhiêu nước? Tình trạng khát nước như thế nào?
- Người bệnh đi tiểu được mấy lần trong 1 ngày?
- Người bệnh đi tiểu được mấy lít/ngày?
- Mỗi lần đi tiểu thì số lượng nước tiểu là bao nhiêu?
- Gầy sút bao nhiêu cân nặng và gầy đi trong khoảng thời gian là bao lâu?
- Người bệnh có cảm thấy: Mệt mỏi, ngứa ngoài da, mắt mờ không?
- Người bệnh có xuất hiện: Răng lung lay và rụng răng không?
- Người bệnh: Có ho không?
Quan sát và khám:
- Toàn thân: Hỏi về cân nặng người bệnh là bao nhiêu?
- Da: Viêm da, có mụn nhọt trên da?
- Mắt có đục nhân?
- Mạch? Nhiệt độ? Huyết áp?
Xét nghiệm:
- Đường máu lúc đói.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose.
- Đường niệu 24h.
- Chụp X quang phổi.
- Ghi điện tim….
2. Lập kế hoạch chăm sóc
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân
- Hạn chế và ngăn ngừa các biến chứng mới có thể xảy ra cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đã có biến chứng cần liệu kê đầy đủ và điều dưỡng viên lên kế hoạch chăm sóc cụ thể.
- Cần tăng cường sự hiểu biết về bệnh và chế độ điều trị cho bệnh nhân.
3. Thực hiện chăm sóc
Xây dựng chế độ dinh dưỡng
– Mục tiêu:
- Duy trì tình trạng dinh dưỡng thích hợp cho bệnh nhân.
- Duy trì cân bằng chuyển hoá, tránh hiện tượng tăng đường máu do ăn uống.
- Ngăn ngừa và hạn chế các biến chứng.
– Yêu cầu:
Đáp ứng nhu cầu năng lượng của bệnh nhân, ví dụ tổng năng lượng cho một bệnh nhân đang nằm viện điều trị khoảng 25 kcal/kg thể trọng/ngày, có thể điều chỉnh tuỳ thuộc tình trạng mỗi bệnh nhân.
– Tỷ lệ phù hợp giữa các chất sinh năng lượng:
- Protein khoảng 15-20%, lý tưởng là 0,8gam/kg thể trọng/ngày cho người lớn.
- Lipid không quá 25-30% tổng số năng lượng trong ngày, trong đó chất béo bão hoà không nên quá 10%.
- Glucid khoảng 50-60% tổng số năng lượng trong ngày, lấy từ các glucid phức như gạo, mỳ, khoai, hết sức tránh dùng đường đơn.
– Chia tổng số năng lượng trong ngày thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày:
- Bữa sáng: 10%.
- Bữa phụ buổi sáng: 10%.
- Bữa trưa: 30%.
- Bữa phụ buổi chiều: 10%.
- Bữa tối: 30%.
- Bữa phụ buổi tối: 10%.
➤ Gợi ý thêm: Các món ăn dành cho người tiểu đường
Ngăn ngừa các biến chứng
– Thực hiện nghiêm túc các y lệnh về thuốc:
- Tiêm insulin với bệnh nhân tiểu đường type 2 có biến chứng. Chú ý:
-
- Liều lượng theo chỉ định và tình trạng của bệnh nhân.
- Vị trí tiêm dưới da phải đổi chỗ cho mỗi lần tiêm.
- Số lần tiêm, thời gian tiêm trong ngày.
- Biến chứng hạ đường máu: cồn cào, da lạnh, vã mồ hôi, huyết áp tụt có khi co giật, hôn mê…
- Cho uống viên hạ đường máu với tiểu đường týp II chưa có biến chứng như: gliclazide, metformine…. Chú ý theo dõi các biểu hiện dị ứng như ngứa, xạm da, giảm bạch cầu…
– Theo dõi đường máu, đường niệu 24h.
– Khuyên bệnh nhân vệ sinh cá nhân bệnh nhân để hạn chế biến chứng nhiễm khuẩn:
- Vệ sinh thân thể, tắm gội thay quần áo hằng ngày, nếu có mụn nhọt phải rửa sạch và băng vô khuẩn.
- Vệ sinh răng miệng, đánh răng, xúc miệng bằng nước muối 9‰. Khi có loét miệng thì lau miệng bằng khăn mềm.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày.
- Nếu có nhiễm trùng nặng: sốt, ho… cho hạ sốt, cho kháng sinh.
– Theo dõi, phát hiện kịp thời các biến chứng khác:
- Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời các biến chứng như đau ngực, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, đau dây thần kinh…
- Thực hiện các biện pháp chăm sóc và các y lệnh tương ứng như giảm đau, giãn mạch vành, hạ huyết áp…
– Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân: cholesterol máu, triglycerid máu, ghi điện tim…
Tăng cường sự hiểu biết về bệnh tật và chế độ điều trị cho bệnh nhân:
– Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện đúng chế độ ăn uống và dùng thuốc trong suốt thời gian điều trị tại viện cũng như khi ra viện.
– Khuyên bệnh nhân khi ra viện phải xét nghiệm đường máu và đường niệu thường xuyên để điều chỉnh thuốc.
– Nếu có thể, hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi đường máu tại nhà bằng máy đo đường huyết, phát hiện các dấu hiệu của hạ đường máu.
– Khuyên bệnh nhân khám định kỳ để phát hiện sớm biến chứng và điều trị kịp thời.
– Khuyên bệnh nhân thường xuyên vệ sinh thân thể, sinh hoạt và hoạt động thể lực hợp lý để hạn chế các biến chứng.
4. Đánh giá chăm sóc
Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:
– Bệnh nhân giảm được triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt và hoạt động thể lực bình thường.
– Đường máu dần trở về bình thường, đường niệu âm tính, HbA1c trong khoảng 6,0 – 8,0%.
– Bệnh nhân đỡ mệt, đạt được cân nặng tối ưu.
– Không bị hoặc hạn chế được các biến chứng.
Mẫu kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 2 cho điều dưỡng viên
1. Nhận định người bệnh
Hỏi thăm tình trạng bệnh:
- Thời gian mắc bệnh
- Chế độ ăn uống mỗi ngày
- Tình trạng bài tiết
- Các dấu hiệu khác: sụt cân, mệt mỏi, mắt mờ
Quan sát và khám toàn thân:
- Cân nặng bao nhiêu?
- Có xuất hiện tình trạng viêm da hay mụn nhọt hay không?
- Chỉ số mạch và huyết áp như thế nào?
- Mắt có hiện tượng đục nhân không?
Xét nghiệm:
- Xét nghiệm đường trong máu lúc đói
- Xét nghiệm đường niệu 24h
- Chụp phổi
2. Thực hiện chăm sóc
Chăm sóc cơ bản
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn và tình trạng hạ đường máu
- Đảm bảo phòng bệnh thoáng mát, yên tĩnh và sạch sẽ, nên thay ga trải giường hàng ngày
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế thoải mái nhất
- Vệ sinh cho bệnh nhân sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt với các vết mụn nhọt, lở loét cần được thay băng hàng ngày, tránh nhiễm trùng
- Cho bệnh nhân ăn uống và dùng thuốc theo kế hoạch
Cho bệnh nhân dùng thuốc theo y lệnh
Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và chỉ định của bác sĩ, điều dưỡng viên cần lên kế hoạch dùng thuốc cho bệnh nhân một cách chi tiết nhất. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, bạn cần lưu ý một số loại thuốc sau:
Insulin
Loại thuốc được chỉ định dùng cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi bệnh nhân đã dùng các thuốc điều trị khác cũng như thay đổi chế độ ăn mà không hiệu quả.
Khi tiêm insulin, điều dưỡng viên cần chú ý một vài điều sau:
- Tiêm insulin dưới da cần thay đổi vùng tiêm, không nên tiêm quá 3 lần đối với cùng một vị trí tiêm.
- Mỗi mũi tiêm nên cách nhau khoảng 5 cm.
- Tiêm theo đúng kỹ thuật để hạn chế các phản ứng phụ như dị ứng, hạ glucose máu hay phản ứng tại chỗ tiêm (ngứa, đau,…).
Các loại thuốc dẫn xuất của Sulfonyl ure
Đây là nhóm thuốc dùng cho bệnh đái tháo đường loại 2, bao gồm:
- Nhóm 1: có tác dụng yếu, gồm – Tolbutamid, Acetohexamid, Tolazamid, Clopropamid
- Nhóm 2: có tác dụng mạnh hơn, gồm – Glibenclamid, Glipizid, Gliclazid
Chế độ ăn uống khoa học
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường thì cần phải có một chế độ ăn phù hợp. Quá đó nhằm giúp giữ lượng đường huyết trong máu tăng chậm và ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin.
Vì vậy, điều dưỡng viên cần đưa đến một chế độ ăn khoa học dành cho người bệnh.
- Bữa ăn nên có đầy đủ chất dinh dưỡng. Số lượng các thành phần lần lượt là glucid 50%, lipid 33% và protid 17%
- Ăn nhiều rau xanh, đậu và các loại trái cây không tinh bột và có chỉ số đường huyết thấp.
- Ăn các loại ngũ cốc tự nhiên không chế biến sẵn, hạn chế các món ăn. Cụ thể như bánh mì, mì sợi trắng hay khoai tây trắng.
- Nên ăn các chất béo có lợi như dầu oliu, bơ, dầu thực vật và hạn chế chất béo bão hòa từ sữa, chất béo từ động vật
- Hạn chế tuyệt đối các đồ ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn.
- Nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, ăn chậm và không nên ăn quá no.
Chăm sóc qua chế độ tập luyện
Người bệnh cần có kế hoạch tập luyện hợp lý. Bởi, hoạt động này có thể mang lại nhiều lợi ích:
- Giảm lượng đường huyết trong máu.
- Cải thiện tình trạng dùng glucose của cơ thể.
- Tăng khả năng sản xuất insulin.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua việc giảm lượng cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
- Cải thiện tình trạng cao huyết áp ở mức trung bình và nhẹ.
- Tăng hiệu suất hoạt động của tim và hệ thống tuần hoàn.
Kiểm soát cân nặng cho bệnh nhân
- Thường xuyên theo dõi cân nặng của bệnh nhân, ngăn chặn tình trạng béo phì.
- Nên lập kế hoạch giảm cân phù hợp, tùy vào sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Cho bệnh nhân tập luyện thường xuyên các bài tập vận động.
3. Đánh giá quá trình chăm sóc bệnh nhân tiểu đường
Sau khi đã thực hiện chăm sóc bệnh nhân theo kế hoạch một thời gian. Điều dưỡng viên cần đánh giá quá trình để có sự điều chỉnh hợp lý nhất. Bạn có thể đánh giá qua các tiêu chí sau:
- Tình trạng bệnh nhân sau quá trình điều trị khi so sánh với tình trạng ban đầu
- Kết quả xét nghiệm đường máu, đường niệu
- Các dấu hiệu sinh tồn
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt
- Tình trạng biến chứng của bệnh
Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 2 là một quá trình đòi hỏi sự phối hợp giữa bệnh nhân, gia đình và nhân viên y tế. Với một kế hoạch chăm sóc cá nhân hóa, bệnh nhân có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Việc chăm sóc không chỉ dừng lại ở việc dùng thuốc mà còn bao gồm một chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh, cùng với sự theo dõi sát sao từ người thân và bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA)
Hiệp hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ (American Association of Clinical Endocrinologists – AACE)
Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO)
National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK)
Mayo Clinic
Cleveland Clinic