Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhấn mạnh, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở con người. Khi bạn chủ động tìm hiểu và kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp sẽ giúp giảm thiểu được các nguy cơ biến chứng có thể dây ra do các bệnh lý huyết áp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về huyết áp tâm trương.
☛ Tìm hiểu trước thông tin: Cao huyết áp – triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Mục lục
Huyết áp tâm trương là gì?
Hệ thống tuần hoàn khép kín do tim và các huyết quản tạo nên trong cơ thể là một mạng lưới giao thông. Máu trong hệ thống này tuần hoàn liên tục thì cơ thể con người mới không ngừng trao đổi chất với môi trường bên ngoài, sử dụng các chất dinh dưỡng và oxy một cách hiệu quả, bài tiết ra ngoài các chất thải và cacbondioxit.
Trong cơ thể con người, quả tim là động lực của hệ tuần hoàn máu, có tác dụng như một máy bơm. Sự co bóp và giãn nở đều đặn của tim làm dịch huyết (máu) không ngừng chu chuyển. Khi máu chảy trong các huyết quản (mạch máu) sẽ tạo áp lực lên thành mạch máu, áp lực này gọi là huyết áp. Huyết áp mà người ta thường nhắc tới là chỉ huyết áp đo được ở động mạch lớn (như huyết áp ở trên cánh tay, bắp tay). (☛ Tìm hiểu chi tiết trong bài: Huyết áp là gì, các chỉ số huyết áp!)
Huyết áp có hai chỉ số khi tim co bóp, dựa vào tác dụng bơm của tim, tâm thất trái đẩy mạch máu chảy vào động mạch chủ, máu trong động mạch sẽ tăng lên đột ngột, nén chặt vào huyết quản, lúc này huyết áp ở trong động mạch là cao nhất. Huyết áp đo được lúc này gọi là huyết áp tối đa. Vì lực này xuất hiện trong lúc tim co bóp nên trong y học được gọi là huyết áp tâm thu.
Khi tim nở ra, máu tạm thời ngừng chảy vào động mạch, dựa vào tính đàn hồi và tác dụng trương lực của huyết quả động mạch, tiếp tục đẩy máu về phía trước. Áp lực trong động mạch dần hạ thấp, huyết áp đo được khi áp lực trong động mạch xuống tới thấp nhất được gọi là huyết áp tối thiểu. Vì áp lực lúc này xuất hiện khi tim nở ra nên gọi là huyết áp tâm trương.
Trị số sai khác giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương được gọi là huyết áp hiệu số.
Trong y học, người ta thường dùng một phân thức để biểu thị trị số của huyết áp, lấy mmHg (milimet thủy ngân) làm đơn vị. huyết ấp tâm thu/huyết áp tâm trương mmHg.
Huyết áp tâm trương bao nhiêu là tốt?
Ở người bình thường, huyết áp tâm thu thường nhỏ hơn 120 và tâm trương nhỏ hơn 80. Những người tiền huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg và tâm trương từ 80-89mmHg.
Bệnh nhân bị cao huyết áp khi: chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Sự chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Tuy nhiên, sự chênh lệch này phải đạt ngưỡng trên 20 mmHg. Nếu nhỏ hơn con số này, bác sĩ sẽ nhận định đây là trường hợp huyết áp kẹp và cần phải tiến hành xử lý cấp cứu.
Các mức huyết áp tâm thu và tâm trương bình thường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chức năng hiệu quả của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận, và đối với sức khỏe nói chung.
Nguyên nhân phát sinh huyết áp tâm trương cao
Ở hầu hết những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc, không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Một số trường hợp, tăng huyết áp tâm trương đơn độc là thứ phát của một rối loạn khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Cụ thể:
- Độ tuổi và giới tính: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu, thông thường những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc huyết áp tâm trương cao đến 90% (cụ thể là trên 45 tuổi với nam giới và khoảng 55 tuổi trở lên với nữ giới) sẽ rất dễ gặp phải căn bệnh này. Song 10% còn lại cũng không nên chủ quan, bởi xu hướng tăng huyết áp tâm trương ngày càng trở nên phổ biến ở người trẻ tuổi, thanh thiếu niên. Và nam giới thường có nguy cơ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình bạn, nếu có bố hoặc mẹ có huyết áp tâm trương tăng thì bạn cũng có thể có nguy cơ mắc phải sau này.
- Người bị béo phì: Người trưởng thành bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tâm trương cao gấp đôi so với những người có chỉ số cân nặng bình thường.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Đây là một tình trạng bệnh lý mà nhịp thở dừng lại nhiều lần trong khi bạn đang ngủ. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ.
- Lối sống không lành mạnh: Với những trường hợp thường xuyên sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, uống rượu bia có nguy cơ tăng huyết áp tâm trương cao hơn.
- Chế độ ăn không lành mạnh: Chế độ ăn ít kali, nhiều natri (ăn mặn)cũng là nguồn cơ đưa mức độ huyết áp tâm trương cao lên.
- Các rối loạn sức khỏe: Nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp và làm khó kiểm soát tăng huyết áp tâm trương, cụ thể: bệnh thận, đái tháo đường hoặc các bệnh nội tiết.
- Thuốc men: Một số loại thuốc bao gồm: thuốc chống viêm không steroid như: naproxen, aspirin và ibuprofen; corticosteroid tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống; thuốc ngừa thai; thuốc giảm đau có chứa pseudoephedrine,… có thể mang lại tác dụng phụ ngoài mong muốn, gây ra tình trạng tăng huyết áp tâm trương, khó kiểm soát huyết áp.
☛ Tham khảo thêm tại: Nguyên nhân gây huyết áp cao và các yếu tố nguy cơ
Những triệu chứng, biểu hiện của huyết áp tâm trương cao
Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Huyết áp tâm trương bình thường thường dao động từ 60 – 80mmHg. Nếu huyết áp tâm trương của là 80 – 89 mmHg, cần chú ý đặc biệt vì bạn đã có tiền tăng huyết áp. Áp suất tâm trương thường thay đổi trong suốt cả ngày. Người bệnh nên kiểm tra huyết áp vài lần một ngày để có được con số trung bình.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang có nguy cơ bị mắc chứng huyết áp tâm trương cao nhiều biến chứng:
- Thường xuyên có dấu hiệu xây xẩm mặt mày, chóng mặt và đau đầu khó chịu.
- Khó ngủ về đêm, giấc ngủ trằn trọc không yên.
- Cơ thể hay đổ mồ hôi đêm.
- Đau bụng tiêu chảy, buồn nôn, muốn ói, một số trường hợp xuất hiện tình trạng chảy máu mũi.
- Tim đập nhanh, mạnh, trống ngực đánh thùm thụp.
- Suy giảm thị lực.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Cách nhận biết sớm triệu chứng cao huyết áp
Huyết áp tâm trương cao có nguy hiểm không?
Huyết áp tâm trương tăng cao ảnh hưởng nhiều đến tim mạch, gia tăng nguy cơ biến chứng, đột quỵ, thậm chí có thể gây tử vong. Cụ thể:
- Tổn thương động mạch: Điều này có thể dẫn tới cứng và làm dày thêm các động mạch, khiến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch khác.
- Chứng phình động mạch: Huyết áp tăng có thể khiến các mạch máu của bạn yếu đi và phình ra, hình thành chứng phình động mạch vỡ, đe dọa tính mạng của bạn.
- Suy tim: Tăng huyết áp thứ phát có thể gây áp lực cho tim, làm tim suy yếu và hoạt động kém hiệu quả.
- Bệnh động mạch vành: Tăng huyết áp thứ phát khiến động mạch bị thu hẹp và tổn thương, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu cho tim. Khi máu không thể chảy tự do tới tim, bạn có thể bị đau ngực, đau tim.
- Hội chứng chuyển hóa: là một nhóm các rối loạn chuyển hóa cơ thể, bao gồm: tăng vòng bụng, chỉ số mỡ máu cholesterol, triglyceride tăng cao, huyết áp cao, nồng độ insulin cao.
- Suy giảm trí nhớ: Hẹp động mạch có thể khiến lượng máu lưu thông tới não bị hạn chế gây nên tình trạng suy giảm nhận thức, mất trí nhớ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Huyết áp cao có nguy hiểm không?
Phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
Mọi người cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám tại các cơ sở y tế… Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Không ăn mặn (bổ sung dưới 5g muối/ngày); tăng cường chất xơ, vitamin từ rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali, khoáng chất, axit béo chưa no như omega 3, omega 6.
- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Giảm cân an toàn nếu đang bị béo phì, thừa cân.
- Hạn chế uống rượu, bia; các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Tăng cường hoạt động thể chất ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ,chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi thể thao,… đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Giảm áp lực, căng thẳng, lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột.
Người bị bệnh tăng huyết áp tâm trương cần chủ động phát hiện bệnh sớm và có hướng quan tâm, điều trị bệnh. Áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cùng với sự theo dõi, quản lý bệnh của thầy thuốc sẽ giúp giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lý.
Theo giaocolam.vn