Tiểu đường là bệnh lý mãn tính không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà còn là gánh nặng của hệ thống y tế nước ta. Để kiểm soát phòng ngừa và điều trị hiệu quả, việc nắm bắt được cơ chế sinh bệnh rất quan trọng, nó là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Bài viết này giaocolam.vn sẽ tổng hợp và phân tích các thông tin mới nhất về cơ chế bệnh tiểu đường!
Mục lục
Bệnh tiểu đường là gì?
Trước khi làm rõ cơ chế bệnh sinh của tiểu đường, bạn sẽ cần nắm được một số thông tin chung về bệnh.
Tiểu đường không phải là một bệnh riêng lẻ, mà nó đại diện cho một loạt các rối loạn liên quan đến chuyển hóa đường, dẫn đến làm tăng đường máu. Gây ra bởi sự giảm tiết hormon Insulin hoặc có sự đề kháng với loại hormon này.
Bệnh gây ra những triệu chứng chủ yếu như: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi nhiều, gầy nhiều… Các dấu hiệu này xuất hiện rầm rộ ở người bệnh tiểu đường típ 1. Với tiểu đường típ 2, các triệu chứng này diễn ra nhỏ giọt, diễn ra trong thời gian dài, người bệnh thường phát hiện ra bệnh khi đã muộn.
Người bệnh tiểu đường lâu ngày không được điều trị hoặc điều trị sai cách sẽ làm cho đường máu tăng cao gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Hiểu rõ cơ chế bệnh tiểu đường không chỉ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tốt hơn mà còn phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
➤ Tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh với bài viết: Hiểu đủ và đúng về tiểu đường!
Cơ chế chung của bệnh tiểu đường
Khi chúng ta ăn uống, lượng thức ăn được đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành glucose. Glucose sẽ được hấp thụ vào máu và đi vào các tế bào. Khi đó insulin được sản xuất tại tuyến tụy (cụ thể là tế bào beta của đảo tụy) sẽ giúp tế bào trong cơ thể hấp thu glucose từ máu và chuyển hóa thành năng lượng cho mọi hoạt động. Nếu cơ chế hoạt động này diễn ra bình thường thì lượng đường trong máu sẽ duy trì ở mức khoảng 3.9-6.4 mmol/L, đồng thời cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động sống.
Nhưng khi hệ thống này hoạt động bất thường, khiến lượng đường trong máu tăng cao gây ra bệnh lý tiểu đường với các trường hợp sau:
- Tuyến tụy không có khả năng sản xuất lượng Insulin cần thiết đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn tới đường máu tăng cao bất thường, khó kiểm soát. Đây chính là lý do dẫn tới tiểu đường tuýp 1
- Hoặc tuyến tụy vẫn có khả năng tiết Insulin nhưng cơ thể lại đề kháng với loại hormon này thì đây cơ chế sinh bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một số típ tiểu đường khác có thể là hỗn hợp của 2 loại trên. Bất cứ thể bệnh tiểu đường nào cũng làm cho glucose không thể đi vào trong tế bào, không chỉ làm tế bào bị đói năng lượng mà những chức năng khác do tế bào đảm nhiệm cũng không được thực hiện. Đồng thời glucose ở lại trong máu khiến đường huyết tăng cao bệnh phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng võng mạc mắt, biến chứng thần kinh ngoại vi, biến chứng mạch máu ngoại vi…
Cơ chế bệnh tiểu đường theo từng tuýp
Đái tháo đường bao gồm nhiều có nhiều thể hay tuýp bệnh khác nhau. Trong đó có 3 tuýp tiểu đường thường gặp bao gồm: Tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Do đó, khi nói về cơ chế bệnh tiểu đường thì chỉ nói 3 tuýp bệnh này là chủ yếu. Mỗi tuýp, cơ chế sinh bệnh sẽ có sự khác nhau dẫn đến việc điều trị khác nhau. Cụ thể:
Cơ chế sinh bệnh tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào beta trong tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. Khi các tế bào này bị phá hủy, cơ thể không thể sản xuất insulin. Điều này dẫn đến tình trạng glucose không được hấp thụ vào tế bào, gây ra sự tích tụ glucose trong máu.
Cơ chế qua trung gian miễn dịch
- Người có mẫn cảm di truyền (được thế hệ trước di truyền lại) có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 1 rất cao sau khi nhiễm một số virus gây bệnh như: Virus quai bị, virus sởi,… Khi virus tấn công chỉ 1 tổn thương nhỏ trên tế bào beta cũng làm giải phóng ra kháng nguyên, là yếu tố tấn công. Ngay lập tức, cơ thể sản sinh tự kháng thể.
- Người đã mang kháng nguyên trong cơ thể như: Kháng nguyên HLA B8, B15… thì nguy cơ mắc đái tháo đường típ 1 cũng tăng lên đáng kể.
Phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể gây ra tình trạng viêm ở đảo tụy. Do kháng nguyên và kháng thể đều do cơ thế sinh ra nên đây được coi bệnh tự miễn. Trong phản ứng này, tế bào lympho T sẽ được hoạt hóa, kéo về đảo tụy gây viêm. Các hóa chất trung gian mà tế bào lympho T tiết ra gây độc cho tế bào Beta, khiến tế bào này bị phá hủy, không còn khả năng tiết Insulin.
Cơ chế không thông qua trung gian là miễn dịch
Không thể tìm ra cơ chế rõ ràng với một số bệnh nhân thuộc nhóm này nhưng yếu tố di truyền khá rõ ràng.
Cơ chế bệnh sinh tiểu đường tuýp 2
Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của đái tháo đường típ 2 là sự rối loạn làm giảm tiết Insulin và có sự đề kháng với hormon Insulin. Người ta cũng chỉ ra rằng, người bệnh tiểu đường típ 2 mà không béo phì, thừa cân thì tình trạng giảm tiết Insulin là chủ yếu. Ngược lại, bệnh nhân béo phì thì dấu hiệu kháng Insulin là chủ yếu.
Rối loạn giảm tiết Insulin
Bệnh nhân mới mắc tiểu đường típ 2 thì quá trình tiết Insulin vẫn còn bình thường hoặc có đôi chút tăng lên không đáng kể. Dẫu vậy, lượng Insulin tiết ra lại không tương xứng với sự tăng lên của Glucose trong máu.
Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thì lượng Insulin tiết ra sẽ giảm đi nhanh chóng. Nguyên nhân được cho là sự tăng quá mức Glucose gây độc với tế bào Beta của đảo tụy.
Tình trạng kháng hormon Insulin
Xảy ra khi cơ quan đích giảm sự nhạy cảm hoặc mất tính nhảy cảm hoàn toàn với Insulin. Cơ chế cụ thể vẫn chưa được làm rõ, có 2 giả thuyết cho vấn đề này được công nhận.
Thứ nhất là số lượng các thụ thể để Insulin gắn vào tế bào giảm hoặc là do có chất khác đã chiếm mất vị trí của Insulin trên thụ thể màng tế bào. Làm cho đường không thể vào trong tế bào. Hình dung thụ thể của hormon Insulin giống như một chiếc ổ khóa trên màng bào không còn chỗ cho chiếc chìa khóa để mở cánh cổng là Insulin.
Thứ hai là khi Insulin đã gắn được vào thụ thể trên màng tế bào thì enzym tyrosinekinase của vùng sau thụ thể bị giảm hoạt tính nên đường không được đưa vào trong tế bào.
Sự tăng tiết một số hormon khác trong cơ thể có tính đối kháng với Insulin như là: Hormon tăng trưởng GH, glucocorticoid, thyroxin, catecholamin…
Cơ chế tiểu đường thai kỳ
Với thể bệnh này, cơ chế được cho là sự thay đổi nội tiết tố nữ trong quá trình mang thai. Các hormon như: Estrogen, progesterone có tác động vào thụ thể của Insulin trên tế bào đích. Từ đó, làm giảm sự nhạy cảm của Insulin với tế bào. Ngoài ra, các hormon này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin ở tế bào Beta. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ là tạm thời và sẽ hết sau khi sinh.
Chế độ dinh dưỡng quá mức ở phụ nữ mang thai, nội tiết tố thay đổi dẫn đến tính tình thay đổi theo, bà mẹ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, cảm xúc bị rối loạn cũng là nguyên do của tiểu đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ cảnh báo những bất lợi trong sản khoa. Hơn nữa, bà mẹ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 nếu không được kiểm soát tốt đường máu sau khi sinh nở.
Phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?
Trong tổng số các ca mắc bệnh tiểu đường thì có tới 90% là tiểu đường type 2. Thể bệnh này tiến triển thầm lặng, trong thời gian dài và thường phát hiện ở giai đoạn muộn khi những biến chứng đã bắt đầu xuất hiện làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Chính vì thế, ngay ở thời điểm hiện tại bạn sẽ cần phải tìm cách phòng tránh, hoặc nếu chẳng may có mắc tiểu đường thì bạn cũng phải có một chế độ sinh hoạt hợp lý để hỗ trợ điều bệnh kết hợp với uống thuốc, tiêm thuốc.
Thói quen ăn uống
- Bạn sẽ phải chú đến chế độ ăn uống hằng ngày nhiều hơn. Đặc biệt là giảm lượng thức ăn có chứa nhiều tinh bột như: Gạo, phở, bún, sắn, khoai tây, khoai môn…Từ đó góp phần bớt đi lượng Glucose hấp thu vào máu qua thức ăn.
- Các thức ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn…Cũng không hề tốt cho sức khỏe của bạn nhất là khi đang mắc bệnh.
- Bổ sung thêm rau xanh, thịt cá, ngũ cốc cùng nhiều loại thực phẩm được khuyến cáo tốt cho người bệnh tiểu đường sẽ là điều mà bạn cần hướng tới vào lúc này.
Giảm cân và tập luyện
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao hằng ngày với những bài tập phù hợp với thể trạng và tình hình kiểm soát bệnh tật của bạn.
- Không để cơ thể bị béo phì, thừa cân hay lớp mỡ bụng quá dày. Điều này được nghiên cứu cho thấy là làm tăng đề kháng với hormon Insulin trong cơ thể.
Áp dụng đúng chỉ định dùng thuốc
Với bất cứ một bệnh nào thì dùng thuốc điều trị đóng một vai trò cực kì quan trọng. Cho dù bạn đang điều trị bằng thuốc uống hay thuốc tiêm thì cũng cần phải đảm bảo các yếu tố như: Đúng thời gian dùng thuốc, đúng liều dùng, đúng đường dùng thuốc.
Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm thảo dược giảo cổ lam giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường type 2 ngay “TẠI ĐÂY”
Tầm soát bệnh tiểu đường
Nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường như: Người trên 30 tuổi, người béo phì, phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kì, làm công việc ít vận động, có người thân trong gia đình đã mắc bệnh…Thì bạn cũng nên dành thời gian kiểm tra sức khỏe định kì.
Bạn có thể tự kiểm tra đường máu tại nhà bằng các loại máy đo đường máu thông dụng hiện nay.
Lời kết
Nhìn chung, cơ chế bệnh sinh của tiểu đường khá phức tạp, với mỗi type bệnh lại có một cơ chế riêng. Có nhiều thuật ngữ chuyên ngành phức tạp, trừu tượng có thể khiến bạn khó hiểu. Do đó, bạn hãy theo dõi thêm một số bài viết trên trang để hiểu thêm về chứng bệnh tiểu đường.
Nguồn tham khảo:
https://www.ijddr.in/drug-development/diabetes-mechanism-pathophysiology-and-managementa-review.php?aid=6713
https://clinical.diabetesjournals.org/content/25/1/25
Dũng đã bình luận
tôi bị tiểu đường tuýp 2 có cần phải uống thuốc không?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào anh Dũng!
Người bệnh tiểu đường cần dùng thuốc suốt đời kết hợp với lối sống lành mạnh để kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng. Anh nên thăm khám cụ thể để được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn với trường hợp bệnh của mình nhé.
Vân Dung đã bình luận
tôi hay ăn ngọt liệu có bị tiểu đường không?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào chị Dung!
Việc ăn quá nhiều đường tinh luyện hay đồ ngọt không phải nguyên nhân chính gây ra tiểu đường. Tuy nhiên, về lâu dài thói quen này sẽ gây hại cho sức khỏe. Ăn quá nhiều đường gây thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng như các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim và đột quỵ. Do đó, chị nên hạn chế ăn đồ ngọt để giảm thiểu nguy cơ bị tiểu đường nhé.