Tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được điều trị bệnh có thể dẫn tới những biến chứng rất nguy hiểm. Việc nắm rõ giai đoạn tiến triển của tiểu đường có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị, ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Mục lục
Tiểu đường là gì?
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa Carbohydrates trong cơ thể, đặc trưng là tình trạng chỉ số đường máu tăng cao mạn tính. Nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt hormon Insulin hoặc đề kháng với loại hormon này.
Các típ bệnh đái tháo đường thường gặp bao gồm:
- Tiểu đường típ 1: Hay gặp ở bệnh nhân dưới 30 tuổi, chiếm tới 10% tổng số ca mắc bệnh. Típ bệnh này gây những triệu chứng rầm rộ ngay từ lúc phát bệnh nên thường được phát hiện sớm.
- Tiểu đường típ 2: Thường gặp ở bệnh nhân trên 30 tuổi, chiếm tới 90%, tiến triển thầm lặng, ít triệu chứng trong thời gian dài. Người bệnh đa số được phát hiện khi bệnh đã nặng.
- Tiểuđường thai kỳ: Xảy ra ở phụ nữ có thai, tiên lượng mắc đái tháo đường típ 2 về sau, cảnh báo những kết cục thai sản bất lợi.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm tới hơn 90% tổng số ca mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, khi nói đến các giai đoạn bệnh tiểu đường thì chủ yếu nói về đái tháo đường tuýp 2.
☛ Tìm hiểu chi tiết hơn trong bài: Bệnh tiểu đường là gì?
Các giai đoạn tiến triển của của bệnh tiểu đường
Tiểu đường phát triển qua 4 giai đoạn với mức độ bệnh trầm trọng dần là: tiền tiểu đường, tiểu đường ban đầu, tiểu đường tiến triển, tiểu đường khó kiểm soát. Giai đoạn đầu thường khó phát hiện bệnh do âm thầm tiến triển trong nhiều năm triệu chứng khá mơ hồ, đến khi người bệnh phát hiện thì tiểu đường đã ở giai đoạn 3,4.
1: Giai đoạn tiền tiểu đường
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh tiểu đường. Ở giai đoạn này, kết quả xét nghiệm chỉ số đường huyết thường cao hơn mức bình thường, nhưng chưa đủ cao để kết luận mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, chỉ số đường huyết bình thường dao động từ 3.9-6.4 mmol/L, và ở giai đoạn tiền tiểu đường, chỉ số này thường vượt ngưỡng 6.4 mmol/L một chút.
Triệu chứng của giai đoạn tiền tiểu đường khá mơ hồ, nhỏ giọt, dễ nhầm lẫn sang những bệnh khác hoặc người bệnh nghỉ ngơi và điều chỉnh chế độ sinh hoạt thì lại hết triệu chứng, khiến nhiều người bỏ qua hoặc không phát hiện ra bệnh kịp thời.
Một số triệu chứng cần chú ý ở giai đoạn tiền tiểu đường:
- Hay cảm thấy khát nước, người mệt mỏi nhưng không nhiều. Nghỉ ngơi một thời gian lại hết, tình trạng này xuất hiện nhiều hơn theo thời gian.
- Thị lực giảm, mắt nhìn mờ hơn không cải thiện nhiều khi đeo kính.
- Da khô, nhăn nhúm, bong tróc vảy ra nhiều hơn hoặc sậm màu. Thường ở vị trí vùng da kín như cổ, nách, bẹn, sau gáy…
- Vết thương, vết xây xát thì chậm lành hơn dễ bị nhầm lẫn với việc chăm sóc da không tốt.
Vì triệu chứng của tiền tiểu đường không rõ ràng và có thể dễ bị bỏ qua, nên việc tầm soát và kiểm tra đường huyết định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh. Sở dĩ, giai đoạn này khó phát hiện được bệnh là bởi tuyến tụy vẫn có khả năng tiết ra một lượng nhỏ hormon Insulin, đáp ứng được phần nào nhu cầu của cơ thể mà các triệu chứng của bệnh tương đối mập mờ. Nếu không kiểm soát, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường tuýp 2.
2: Giai đoạn hình thành tiểu đường tuýp 2 (bệnh tiểu đường ban đầu)
Đây là giai đoạn tiếp theo nếu như tiền tiểu đường không được phát hiện và cải thiện dẫn đến bệnh tiểu đường chính thức. Ở giai đoạn này các triệu chứng hiển hình của bệnh xuất hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn, bao gồm:
- Tiểu nhiều, khát nhiều: Khi lượng Glucose máu quá cao vượt ngưỡng tái hấp thu của thận, Glucose sẽ bị đào thải theo nước tiểu gây nên tình trạng đái nhiều. Làm cho bệnh nhân mất nước, khát nước, phải uống nhiều nước, thèm uống nước ngọt.
- Gầy nhiều, mệt mỏi nhiều: Thiếu hụt Insulin làm cho đường máu không vào được tế bào tạo ra năng lượng để hoạt động. Cơ thể sẽ tăng sử dụng năng lượng dự trữ trong cơ và mỡ, khiến người bệnh gầy đi, mệt mỏi nhiều hơn.
- Ăn nhiều: Tình trạng tế bào thiếu năng lượng hoạt động kích thích cơ thể ăn vào nhiều hơn để bù đắp, cơ thể luôn cảm thấy đói.
Ngoài ra, các triệu chứng của giai đoạn tiền tiểu đường cũng xuất hiện nhiều hơn, rõ rệt hơn như: mắt nhìn mờ hơn, da khô nứt nẻ, ngứa ngáy khó chịu, chân tay hay tê bì, vết thương khó lành…nhưng có thể bị lu mờ bởi những dấu hiệu điển hình của bệnh.
Giai đoạn này, chức năng tuyến tụy suy giảm, dẫn đến giảm tiết insulin và tăng tình trạng kháng insulin. Kết quả xét nghiệm máu với các chỉ số đặc trưng của giai đoạn tiểu đường như sau:
- Đường máu lúc đói: Gl ≥ 7 mmol/L
- Đường máu ngẫu nhiên ≥ 11.1 mmol/L
- Nghiệm pháp dung nạp Glucose: ≥ 11.1 mmol/L
- Chỉ số HbA1c: HbA1c ≥ 6.5%
Hầu hết người bệnh phát hiện ra mình mắc tiểu đường ở giai đoạn này do các triệu chứng trở nên rầm rộ và khó bỏ qua. Khi đã hình thành bệnh việc chữa khỏi tiểu đường hoàn toàn là rất rất khó. Mục tiêu điều trị chủ yếu là kiểm soát đường huyết ở mức an toàn, càng gần giá trị bình thường càng tốt. Điều này giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đảm bảo sức khỏe lâu dài.
3: Giai đoạn bệnh tiểu đường tiến triển
Nếu như phác đồ điều trị ở giai đoạn 2 không hiệu quả hoặc do người bệnh không thay đổi thói quen sinh hoạt, khiến bệnh chuyển sang giai đoạn tiểu đường tiến triển lúc này sẽ xuất hiện biến chứng.
Triệu chứng và mức đường huyết giai đoạn 3 giai đoạn tiểu đường tiến triển như sau:
- Mức đường huyết: Có thể rất cao, thậm chí lên tới 300 mg/dL (16.7 mmol/L) hoặc hơn.
- Triệu chứng: Các triệu chứng trở nên rõ ràng và trầm trọng hơn, bao gồm tê bì chân tay, giảm thị lực, vết thương lâu lành, và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Biến chứng ở giai đoạn này sẽ bảo gồm biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
✔ Biến chứng cấp tính: Hôn mê do nhiễm toan Ceton (thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nhiều hơn), hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu và hôn mê do nhiễm axit lactic.Đó là 3 biến chứng khiến người bệnh bị hôn mê với 3 cơ chế bệnh sinh khác nhau.
✔ Biến chứng mạn tính bao gồm:
- Biến chứng nhiễm khuẩn: Xảy ra ở trên da, niêm mạc; nhiễm nấm ở miệng, nách, bẹn, nếp lằn dưới vú, dưới bụng; nhiễm khuẩn đường tiết niệu-sinh dục; viêm bộ phận sinh dục; hay bị lao phổi, lao thận; nhiễm trùng vết thương ở chân.
- Biến chứng thoái hóa: Bệnh võng mạc mắt gây mờ mắt; biến chứng thần kinh thực vật trên tim mạch, tiêu hóa, thần kinh vận mạch; biến chứng thần kinh ngoại vi; biến chứng cầu thận đái tháo đường; bệnh mạch vành, mạch máu não, mạch máu ngoại vi.
Ở giai đoạn 3, mục tiêu điều trị sẽ không chỉ là kiểm soát tốt đường huyết mà còn phải điều trị biến chứng tại các cơ quan bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và cán bộ y tế mới giúp quá trình điều trị hiệu quả.
☛ Xem chi tiết hơn: Biến chứng của tiểu đường
4: Giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường (tiểu đường khó kiểm soát)
Đây được coi là giai đoạn nặng nhất của tiểu đường, các biến chứng nghiêm trọng đồng loạt xuất hiện đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Giai đoạn này với biểu hiện kháng hormon Insulin trầm trọng cùng với hao kiệt tuyến tụy rất nặng, tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin để đáp ứng, buộc phải sử dụng insulin tiêm để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, việc chỉnh liều insulin tiêm trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết thường xuyên.
Ở giai đoạn này mục tiêu điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Các biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở giai đoạn này là:
- Biến chứng thần kinh: Mất cảm giác ở chân, loét, nhiễm trùng vết thương, thậm chí cắt cụt chi.
- Suy thận: Tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.
- Mất thị lực: Biến chứng võng mạc gây mù lòa.
- Biến chứng tim mạch: Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.
- Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng của tiểu đường có thể gây tử vong.
Mặc dù bệnh tiểu đường trải qua 4 giai đoạn kể trên. Tuy nhiên, không có ranh giới quá rõ ràng cho cả 4 giai đoạn, cũng không có khoảng thời gian cụ thể để từ giai đoạn này chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Do đó, việc thăm khám và phát hiện bệnh sớm sẽ là yếu tố quyết định làm chậm sự tiến triển của bệnh tới xảy ra biến chứng.
Cách làm chậm sự tiến triển các giai đoạn tiểu đường
Bạn hoàn toàn có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường nếu thực hiện tuân thủ đầy đủ các vấn đề sau:
- Chế độ ăn uống: Điều chỉnh thói quen ăn uống theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ăn nhiều rau xanh, thịt cá hơn để giảm bớt lượng tinh bột có trong gạo đưa vào cơ thể. Bớt ăn vặt, ăn đồ ngọt để không đưa thêm đường vào cơ thể đang dư thừa.
- Thể dục thể thao đều và điều độ: Áp dụng những bài tập thể dục để vận động cơ thể, tiêu thụ năng lượng dư thừa của cơ thể sẽ góp phần làm giảm đường máu.
- Tuân thủ chặt chẽ chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết. Bao gồm uống thuốc, tiềm thuốc đúng liều, đúng giờ. Nếu không làm tốt bước này, bạn có thể bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết quá mức, rất khó đưa về chỉ số ổn định ban đầu.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra xem phương pháp điều trị có đáp ứng tốt với tình trạng của bạn không? Những thay đổi trong ăn uống và tập luyện có giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hay không? Bạn cũng nên trang bị máy đo đường huyết trong hộp thuốc cá nhân.
- Tiến hành giảm cân nếu bị thừa cân, dựa theo chỉ số BMI hiện tại của bạn. Nếu chỉ số BMI ≥ 23 thì bạn nên cân nhắc các biện pháp giảm cân đưa về chỉ số này về mức 18-22 là hợp lý.
- Chăm sóc bàn chân, kiểm tra những dấu hiệu nhiễm trùng, lở loét bất thường ở bàn chân. Điều này giúp phòng tránh nguy cơ cắt cụt chi thể khi có biến chứng bệnh tiểu đường.
Lời kết
Những thông tin mà bài viết đề cập tới vừa rồi đã cho bạn thấy được 4 giai đoạn của bệnh tiểu đường. Từ giai đoạn tiền tiểu đường tới tiểu đường ban đầu, giai đoạn tiểu đường tiến triển và giai đoạn cuối của bệnh. Cùng với đó là một số gợi ý giúp bạn làm chậm các giai đoạn của bệnh với mục đích cuối cùng là ngăn chặn xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Thông tin tham khảo thêm:
https://eatingtofuelhealth.com/stages-of-type-2-diabetes/
https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes
Hùng Dũng đã bình luận
tôi bị tiền tiểu đường, giai đoạn này đã nặng và có nguy cơ biến chứng chưa
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào anh Dũng!
Tiền tiểu đường là giai đoạn đầu của tiểu đường, thường không có triệu chứng, nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Nếu không điều trị, khoảng 5-10% người bị tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành đái tháo đường tuýp 2 mỗi năm. Vì vậy, ngay khi phát hiện tiền tiểu đường anh nên thăm khám cụ thể và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nhé.
Hướng đã bình luận
tôi bị tiểu đường tuýp 2, nhờ bác sĩ tư vấn các môn thể dục thể thao phù hợp với tình trạng bệnh của tôi
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào anh Hướng!
Bên cạnh điều trị, anh cần kết hợp chế độ ăn uống và thể dục thể thao hợp lý. Một số môn thể thao phù hợp với người tiểu đường tuýp 2 như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, tập yoga, leo cầu thang, một số bài tập nâng cao sức mạnh (bài tập gánh tạ, chống đẩy, tập cơ bụng…). Tùy vào sức khỏe cũng như sở thích mà anh lựa chọn bộ môn thể thao nào phù hợp với bản thân nhé.
Đức Trí đã bình luận
tôi đi khám mới ở mức độ tiền tiểu đường, liệu điều trị có khỏi không?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào anh Trí!
Nếu được phát hiện và điều trị sớm tiền đái tháo đường sẽ giúp ngăn cản hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh đái tháo đường và tim mạch. Việc điều trị có hiệu quả nhất là thay đổi lối sống bao gồm cả ăn uống điều độ, giảm cân nếu đang thừa cân, và có chế độ hoạt động thể lực thích hợp.
Thu Cúc đã bình luận
nhờ tư vấn các bài thể dục tốt cho người đái tháo đường tuýp 2
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào chị Cúc!
Một số bài tập thể dục tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 chị nên tham khảo như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, tập gym (cường độ thấp). Bên cạnh tập luyện, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhé.