Xin chào chuyên gia. Tôi năm nay 24 tuổi, vì lý do công việc tôi thường xuyên phải thức khuya. Có hôm 2h sáng, có hôm tận 4h sáng tôi mới ngủ. Gần đây tôi hay bị nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực và cơ thể mềm nhũn. Đo huyết áp thì thấy huyết áp tăng lên tận 140/90 mmHg. Vậy chuyên gia cho, thức khuya có khiến tăng huyết áp không?
Nguyễn Thu Thủy- Ứng Hòa, Hà Nội
Trả lời
Xin chào bạn Thủy. Với câu hỏi bạn đưa ra, chúng tôi xin trả lời như sau:
Mục lục
Thức khuya và cơ chế ảnh hưởng làm tăng huyết áp
Cơ chế gây ra tình trạng tăng huyết áp là do thức khuya dẫn đến ngủ không đủ giấc, từ đó gây áp lực lên tim và làm huyết áp tăng cao:
1. Thức khuya và tác động lên hệ thần kinh
Khi bạn thức khuya, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích thích sản xuất các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Hai hormone này giúp cơ thể duy trì trạng thái tỉnh táo, nhưng cũng đồng thời làm co thắt các mạch máu và tăng nhịp tim. Điều này trực tiếp làm tăng huyết áp. Nếu thói quen thức khuya diễn ra thường xuyên, hệ thần kinh không có đủ thời gian để “nghỉ ngơi”, dẫn đến tình trạng căng thẳng mãn tính, gây ra nguy cơ cao về bệnh huyết áp.
2. Mất ngủ, thiếu ngủ và huyết áp
Thức khuya, thiếu ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn gấp đôi so với những người ngủ đủ giấc. Khi giấc ngủ bị gián đoạn hoặc không đủ chất lượng, cơ thể sẽ không có đủ thời gian để phục hồi, điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng điều chỉnh huyết áp.
3. Ngủ không đủ giấc và rối loạn nhịp sinh học
Thức khuya liên tục có thể dẫn đến rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, gây ra mất cân bằng hormone. Melatonin, một hormone giúp điều hòa giấc ngủ, cũng bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã có tiền sử bệnh cao huyết áp.
Bác sĩ Betty Kampman của UH, CNP, chuyên về thuốc ngủ cho biết, cải thiện giấc ngủ bằng cách tập trung vào thời lượng và chất lượng là biện pháp giảm huyết áp cực tốt.
Thức khuya làm tăng huyết áp!
Huyết áp chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều yếu tố lối sống, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục, thói quen sử dụng chất kích thích và giấc ngủ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, giúp cơ thể thư giãn và tái tạo. Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể có thể rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, dẫn đến tăng huyết áp. Như vậy thức khuya CÓ gây tăng huyết áp.
Bạn có thể hình dung đơn giản rằng. Ngủ là thời gian toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi và chữa lành sau 1 ngày dài làm việc và học tập. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và nó rất cần để tái tạo bộ máy hoạt động của cơ thể. Khi bạn ngủ, cơ thể không đòi hỏi lưu lượng máu nhiều, do đó, nhịp tim chậm và tim được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng ngược lại, nếu bạn thức, tim đập nhanh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể.
Bởi vậy, thói quen thức khuya đồng nghĩa với việc tim phải hoạt động nhiều hơn, áp lực của máu tác động lên thành mạch chịu ảnh hưởng của tim theo đó cũng tăng lên, cuối cùng dẫn đến tăng huyết áp.
Ai dễ bị tăng huyết áp khi thức khuya?
Các nhóm đối tượng sau khi thức khuya, mất ngủ kéo dài, nguy cơ bị tăng huyết áp sẽ cao hơn nhiều so với người khác:
- Người mắc bệnh tăng huyết áp sẵn có: thức khuya sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp: yếu tố di truyền kết hợp với lối sống không lành mạnh như thức khuya thiếu ngủ sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể.
- Người trẻ tuổi thức khuya thường xuyên: niều người trẻ tuổi hiện nay thường xuyên thức khuya để học tập, làm việc hoặc giải trí. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng việc này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe về lâu dài. Thức khuya không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao mà còn gây ra nhiều vấn đề khác liên quan đến tim mạch và sức khỏe tâm thần.
Dấu hiệu tăng huyết áp liên quan đến thức khuya
Khi gặp các tình trạng như sau, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và theo dõi huyết áp:
- Huyết áp tăng lên so với ngày ngủ nghỉ đủ giấc. Như trường hợp bạn tăng lên 140/90 mmHg là tình trạng tăng huyết áp
- Xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
- Đau tức ngực, người mệt mỏi, tim đập nhanh
Ngoài ra, thức khuya có thể gây ra nhiều tình trạng khác ngoài tăng huyết áp như: suy giảm trí nhớ, đau dạ dày, suy giảm thị lực, stress, trầm cảm...
Giải pháp cho người hay thức khuya để duy trì huyết áp ổn định!
Để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp xảy ra do thói quen thức khuya vô cùng đơn giản. Người bệnh cần đi ngủ sớm và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt. Bên cạnh đó vẫn cần thực hiện một chế độ ăn lành mạnh cùng thói quen luyện tập thể dục đều đặn để nâng cao hiệu quả điều trị.
Sau đây là một số biện pháp đơn giản giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp:
Ngủ đúng và đủ giấc
Đối với trường hợp tăng huyết áp do thức khuya, việc đầu tiên cần làm đó là sửa thói quen đó bằng cách đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Một khi giấc ngủ được cải thiện, tự khắc tình trạng huyết áp cao cũng được cải thiện.
Việc đi ngủ vào những thời điểm khác nhau vào mỗi ngày sẽ khiến bạn khó có thể ngủ sớm. Nhưng ngược lại, việc đi ngủ vào cùng một thời điểm ở tất cả các ngày trong tuần lại khiến cơ thể tự động hình thành 1 thói quen.
Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Ngoài thói quen đi ngủ sớm, bạn cũng cần quan tâm đến cả chất lượng giấc ngủ. Và yếu tố để quyết định chất lượng giấc ngủ có tốt không là phụ thuộc vào không gian và môi trường phòng ngủ của bạn. Hãy sắp xếp công việc một cách hợp lý, tránh căng thẳng trước khi ngủ và tạo ra môi trường ngủ lý tưởng như không gian yên tĩnh và ánh sáng dịu nhẹ.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể duy trì huyết áp ổn định và giảm căng thẳng. Yoga và thiền là những phương pháp giảm stress hiệu quả giúp cân bằng tinh thần và hỗ trợ điều hòa huyết áp.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Ngoài giấc ngủ và tập luyện, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Hạn chế muối và bổ sung thực phẩm giàu kali, magiê như rau xanh và các loại hạt có thể giúp ổn định huyết áp. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp, hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Nên ăn gì để giảm huyết áp cao?
Kết luận: Như vậy, với thông tin mà bài viết đã đề cập thì thức khuya hoàn toàn có thể khiến huyết áp tăng. Một giấc ngủ ngon về đêm là rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể nói chung và huyết áp nói riêng. Chú ý thay đổi thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc giúp để cải thiện tình trạng tăng huyết áp do thức khuya.