Adenosin – hoạt chất giúp cơ thể tái tạo năng lượng nhanh chóng, điều hoà nhịp tim và kích hoạt giấc ngủ vừa được tìm thấy trong cây giảo cổ lam 5 lá. Chất này vốn rất hiếm trong thực vật, thường chỉ có trong dược liệu “đông trùng hạ thảo”.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa quốc gia do Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học chỉ đạo. Theo Giáo sư Sung, việc tìm thấy adenosin thiên nhiên trong cây giảo cổ lam đã làm sáng tỏ tác dụng tăng lực mạnh của cây này. Nhờ đó, nó thường được dùng cho các vận động viên thi đấu thành tích cao và được coi là loại doping hợp pháp. Hợp chất adenosin cũng có tác dụng tốt cho tim mạch, giúp dễ ngủ và sâu giấc.
Adenosin chỉ tìm thấy trong loại giảo cổ lam 5 lá, không thấy hiện diện trong 3 và 7 lá. Hoạt chất này không chiết xuất được bằng nước nóng theo cách sắc thông thường mà phải dùng hệ dung môi ethanol: nước theo tỷ lệ 50:50 ở nhiệt độ và áp suất thích hợp. Việc tuân thủ quy trình chiết xuất giảo cổ lam của các đơn vị sản xuất trong nước đóng vai trò quyết định đến chất lượng sản phẩm. Do đó, dùng trà hãm giảo cổ lam không hiệu quả bằng dùng dạng viên nén có chứa chiết xuất chuẩn hóa theo quy trình. “Việc tìm thấy chất phanosid hạ đường huyết mạnh, gypenosid chống u và bây giờ là adenosin tốt cho tim mạch chứng minh chất lượng giảo cổ lam Việt Nam rất tốt. Đây là loại cây đặc biệt rất cần được bảo vệ và phát triển thành những thuốc quý phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, Giáo sư Sung nhận xét.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học.
Đề tài nghiên cứu trích ly adenosin và các dạng hoạt chất quý giá trong cây giảo cổ lam đã được chuyển giao lại cho Công ty Tuệ Linh thực hiện. Đây cũng là công ty duy nhất được Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội chuyển giao đề tài cấp nhà nước về giảo cổ lam với nguồn nguyên liệu 100% được thu hái hoang dã trên những vùng núi cao của Việt nam.
Giáo sư Phạm Thanh Kỳ đã tìm ra nhiều tác dụng của cây giảo cổ lam qua các nghiên cứu khoa học từ năm 1997. Theo giáo sư Kỳ, loại cây này làm hạ cholesterol toàn phần trong máu, làm tăng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng của cơ thể… Ngoài ra, hoạt chất gypenosid trong loại thực vật này giúp kìm hãm sự phát triển của khối u vì cơ chế giải độc mạnh và giúp điều chỉnh những rối loạn chuyển hóa ở cấp tế bào. Giáo sư Thanh Kỳ và cộng sự tại Hàn Quốc đã chiết tách được thành phần hoạt chất gypenosid, thử nghiệm trên khối u phổi, đại tràng, vú, tử cung, tiền liệt tuyến cho kết quả rất tốt. Hoạt chất này có khả năng kìm hãm và tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Thầy Phạm Thanh Kỳ đang kiểm tra cây giảo cổ lam tại vườn ươm giống của Công ty Tuệ Linh.
Giảo cổ lam hay còn được gọi là cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm, cây trường thọ (tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum) thuộc dạng cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt, lá khép kín hình chân vịt. Cụm hoa hình chùy mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xòe hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhụy. Giảo cổ lam có nhiều loại: 3, 5, 7 và 9 lá. Quả giảo cổ lam khô hình cầu, đường kính 5-9mm, khi chín màu đen. Loài cây này mọc nhiều ở độ cao trên dưới 2.000m so mới mặt nước biển, trong các khu rừng thưa, ẩm thấp, khí hậu lạnh quanh năm. Giảo cổ lam xuất hiện nhiều nhất ở vùng núi Tây Tạng. Ngoài ra, một số vùng ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên, cũng có.
Giảo cổ lam Việt Nam được phát hiện lần đầu tiên tại Phan xi păng – Lào Cai trên độ cao hơn 3.000m. Các đánh giá về khoa học cho thấy giảo cổ lam Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng hoạt chất rất cao.
Nguồn:http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/hoat-chat-tot-cho-tim-trong-cay-giao-co-lam-5-la-2966078.html