Cao huyết áp là bệnh lý phổ biến, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì tỉ lệ người cao huyết áp có chiều hướng tăng lên. Huyết áp cao còn được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chủ quan hoặc chưa có thái độ quan tâm cần thiết. Trong nội dung bài viết này, Giaocolam.vn sẽ cung cấp một cách tổng quan nhất về bệnh cao huyết áp để mọi người có được những thông tin cơ bản chính xác nhất!
Mục lục
Thế nào là cao huyết áp?
Huyết áp được xác định bằng lượng máu bơm vào tim và sự đáp ứng lưu lượng máu đó bên trong động mạch. Nếu máu bơm vào tim quá nhiều sẽ khiến cho động mạch thu hẹp lại, gây ra huyết áp cao.
Các cơ quan trong cơ thể đều cần oxy để duy trì sự sống. Oxy được vận chuyển tới các cơ quan thông qua máu. Khi tim đập sẽ tạo ra áp lực đẩy máu qua hệ thống các động mạch cùng tĩnh mạch hình ống( còn được gọi là các mạch máu và mao mạch).
Áp lực máu( huyết áp) là kết quả của hai lực:
- Lực thứ nhất được tạo ra khi máu bơm ra khỏi tim và các động mạch( huyết áp tâm thu).
- Lực thứ hai xuất hiện khi tim nghỉ giữa các nhịp đập của nó( huyết áp tâm trương).
Hai lực này được đại diện bởi các con số trong khi đo huyết áp. Ví dụ 120/80 mmHg (mmHg là milimet thủy ngân, đây là đơn vị dùng để đo huyết áp).
Ở người bình thường, huyết áp tâm thu thường nhỏ hơn 120 và tâm trương nhỏ hơn 80. Những người tiền huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg và tâm trương từ 80-89 mmHg.
Bệnh nhân bị cao huyết áp khi: chỉ số huyết áp tâm thu từ >=135 mmHg và tâm trương >=85 mmHg
Huyết áp bao nhiêu là cao?
Như đề cập ở trên, huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương):
- Huyết áp tâm thu (ứng với giai đoạn tim co bóp tống máu đi): có giá trị cao hơn do dòng máu trong động mạch lúc này đang được tim đẩy đi.
- Huyết áp tâm trương (ứng với giai đoạn giãn nghỉ giữa hai lần đập liên tiếp của tim): có giá trị thấp hơn do mạch máu lúc này không phải chịu áp lực tống máu từ tim.
Để trả lời cho vấn đề “Huyết áp cao là bao nhiêu”, hàng loạt các hướng dẫn điều trị của những quốc gia, hiệp hội và nhiều nhà khoa học hàng đầu về tim mạch trên thế giới đã được đưa ra. Việc chẩn đoán và chiến lược điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại nước ta hiện nay thường tuân theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC). Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:
- Huyết áp tối ưu: dưới 120/80 mmHg;
- Huyết áp bình thường: từ 120/80 mmHg trở lên;
- Huyết áp bình thường cao: từ 130/85 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 1: từ 140/90 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 2: từ 160/100 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 3: từ 180/110 mmHg trở lên;
- Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
- Tiền tăng huyết áp khi: Huyết áp tâm thu > 120-139 mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89 mmHg
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Chỉ số huyết áp cao là bao nhiêu?
Triệu chứng cao huyết áp điển hình
Huyết áp cao được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi chúng có thể tăng mà không hề có bất kỳ một triệu chứng nào. Khi huyết áp cao đột ngột, phải đi cấp cứu người bệnh mới cảm nhận được rõ ràng hơn triệu chứng tăng huyết áp.
Một số triệu chứng bạn có thể gặp phải khi huyết áp tăng cao:
- Thở nông
- Đánh trống ngực, khó thở, tim đập nhanh
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu
- Mặt đỏ, buồn nôn
- Tiểu máu
- Mất ngủ
☛ Tham khảo chi tiết hơn tại: Cách nhận biết sớm triệu chứng cao huyết áp
Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp vô căn( tăng huyết áp nguyên phát). Loại này thường là do di truyền và phổ biến hơn ở nam giới.
Bên cạnh đó, có khoảng 5-10% các trường hợp tăng huyết áp là hệ quả của một số bệnh lý- đây được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Nguyên nhân tăng huyết áp trong trường hợp này có thể do: bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận, tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, chất kích thích, rượu bia, thuốc lá… Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể điều trị được huyết áp cao.
Trường hợp tăng huyết áp do tác dụng phụ của thuốc, sau khi ngưng sử dụng thuốc khoảng vài tuần huyết áp có thể trở về mức ổn định bình thường. Trường hợp trẻ em có huyết áp cao, nhất là đối với các bé dưới 10 tuổi, nguyên nhân dẫn tới huyết áp cao thường là do các bệnh khác, ví dụ như bệnh thận.
Trường hợp tăng huyết áp thai kỳ có thể xảy ra ở các bà bầu giai đoạn sau tuần thai thứ 20. Tình trạng tiền sản giật cũng thường xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, nhưng kèm theo phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân huyết áp cao trong thời kỳ mang thai này có thể do: thiếu máu trầm trọng, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ trẻ dưới 20 tuổi hoặc cao trên 35 tuổi, từng có tiền sử huyết áp cao hoặc đái tháo đường,…
Ai có nguy cơ bị cao huyết áp?
Cao huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, nó có thể xảy ra đối với mọi cá thể mà không phân biệt độ tuổi, giới tinh, quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đối tượng vẫn có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này đó là:
- Người cao tuổi
- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh cao huyết áp
- Người có lối sống tĩnh lạ, lười vận động
- Người có chế độ ăn giàu chất béo và thói quen ăn mặn
- Người thừa cân béo phì
- Người hút thuốc lá
- Người uống nhiều bia rượu
- Người thường xuyên căng thẳng, lo âu
- Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch,…
Biến chứng nguy hiểm từ huyết áp cao

Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng đến người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế hoặc tử vong.
Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải của cao huyết áp:
- Suy tim: Tim phải làm việc quá sức để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu ngày khiến tim bị to ra và yếu đi.
- Suy thận: Các mạch máu trong thận bị hẹp lại gây suy thận.
- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim: Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bị tăng huyết áp rất cao. Thành mạch bị xơ cứng có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, nhồi máu cơ tim.
- Phình động mạch: Huyết áp cao có thể gây phình động mạch, dẫn đến chảy máu nội bộ, đe dọa tính mạng.
- Biến chứng não: Xuất huyết não, nhồi máu não, mất trí nhớ do động mạch bị thu hẹp.
- Hội chứng chuyển hóa: Bao gồm các tình trạng: rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng số đo vòng eo, tích tụ nhiều mỡ thừa, giảm HDL-C…
- Xuất huyết võng mạc: Các mạch máu trong mắt bị vỡ, gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới mất hoàn toàn thị lực( mù lòa).
➤ Chi tiết trong bài: Nguy hiểm tiềm ẩn từ huyết áp cao
Cao huyết áp có chữa được không?
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp điều trị cụ thể nào có thể chữa dứt điểm căn bệnh cao huyết áp. Do đó, điều khẳng định đầu tiên mà người bệnh nên biết đó là cao huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi can thiệp đều trở nên vô nghĩa.
Nếu áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh vẫn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh, đưa chỉ số huyết áp về mức ổn định và an toàn, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải tai biến.
Ngoài ra, điều trị cao huyết áp là cả một quá trình, phải diễn ra trong thời gian dài, thậm chí có thể đi theo bạn cả đời. Do đó, quá trình điều trị có đạt được kết quả tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, kiên nhẫn của người bệnh.
Tốt nhất người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Kể cả khi huyết áp để trở về mức ổn định, người bệnh vẫn cần thực hiện thói quen lành mạnh này để ngăn cho bệnh không tái phát trở lại.
➤ Đọc thi tiết: Cao huyết áp có chữa khỏi được hoàn toàn?
Mục tiêu điều trị cao huyết áp
Mục tiêu trong điều trị cao huyết áp là giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Thông thường để giúp người bệnh dễ dàng hơn trong quá tình điều trị, mục tiêu sẽ được cụ thể hóa dưới dạng con số:
- Dưới 140/90 mmHg là mức huyết áp mục tiêu chung cho người cao huyết áp bình thường
- Dưới 130/80 mmHg là mức huyết áp mục tiêu cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính.
Chẩn đoán cao huyết áp
Chẩn đoán THA cần dựa vào:
- Trị số HA;
- Đánh giá cao nguy cơ tim mạch toàn thể thông qua tìm kiếm các yếu tố nguy cơ, tổn thương cơ quan đích, bệnh lý hoặc dấu chứng lâm sàng kèm theo;
- Xác định nguyên nhân thứ phát gây THA.
Quá trình chẩn đoán bao gồm các bước chính như sau:
(1) Đo HA nhiều lần;
(2) Khai thác tiền sử;
(3) Khám thực thể;
(4) Thực hiện các khám nghiệm cận lâm sàng cần thiết: Xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, X-quang ngực, CT scan.
Huyết áp lưu động cung cấp thông tin nhiều hơn HA đo tại nhà hoặc phòng khám; ví dụ, HA 24 giờ gồm cả HA trung bình ban ngày (thường từ 7-22 giờ) và giá trị ban đêm và mức dao động HA.
Một số lưu ý khi chuẩn bị kiểm tra huyết áp để có kết quả chính xác nhất:
- Không uống cà phê, hút thuốc khi chuẩn bị kiểm tra huyết áp.
- Nên đi vệ sinh trước khi đo huyết áp.
- Ngồi yên trong 5 phút trước khi kiểm tra.
Khuyến cáo | Nhóm | Mức độ bằng chứng |
Đo huyết áp tại phòng khám được khuyến cáo giúp sàng lọc và chẩn đoán THA. | I | B |
Chẩn đoán THA khi đo HA ít nhất 2 lần cho 1 lần đo và ít nhất 2 lần cho 1 lần khám. | I | C |
Đo HA ngoại trú được dùng để xác định chẩn đoán, thể THA, cơn hạ HA và tăng cường khả năng dự báo nguy cơ tim mạch. | IIa | B |
Đối với đo HA ngoại trú, theo dõi HA liên tục 24h hoặc đo HA tại nhà được xem xét tùy vào chỉ định, tính khả dụng, tiện dụng, giá thành. | IIb | C |
Bảng 1: Khuyến cáo kỹ thuật đo huyết áp
HA tâm thu(mmHg) | HA tâm trương( mmHg) | |
Đo HA tại phòng khám/ bệnh viện | ≥140 | ≥90 |
Đo Holter HA 24h: | ||
– Ban ngày( hoặc lúc ngủ dậy) | ≥135 | ≥85 |
– Ban đêm ( hoặc lúc đi ngủ) | ≥120 | ≥70 |
– 24h | ≥130 | ≥80 |
Đo huyết áp tại nhà( tự do) | ≥135 | ≥85 |
Bảng 2: Các ngưỡng huyết áp áp dụng để chẩn đoán tăng huyết áp theo cách đo

Điều trị cao huyết áp
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả lâu dài cho người bệnh. Một lối sống lành mạnh và khoa học không chỉ giúp bạn kiểm soát huyết áp mà còn đem lại cho người bệnh một sức khỏe tốt hơn.
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Người bệnh cao huyết áp nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên chất, quả chín chưa xay, ép cùng các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá trích, cá thu, cá hồi,…
- Giảm tiêu thụ nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn,…
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, caffeine.
– Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng
- Luyện tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn giúp phòng ngừa bệnh huyết áp.
- Tăng cường các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, tập các bài tập vận động hoặc chơi các môn thể thao khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày giúp người cao huyết áp giảm chỉ số từ 5 đến 8 mmHg.
– Duy trì cân nặng ở mức phù hợp
Cố gắng giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9. Nếu béo phì cần tích cực giảm cân, đạt được cân nặng lý tưởng
– Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng liên tục có thể khiến huyết áp tăng cao, nhất là khi bạn lựa chọn ăn các thực phẩm không lành mạnh, sử dụng cồn hoặc hút thuốc lá để đối mặt với căng thẳng.
Bệnh nhân huyết áp cao cần dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi điều độ, tránh lo âu, làm việc quá sức, căng thẳng thần kinh và bị lạnh đột ngột.
– Đo huyết áp thường xuyên
Chủ động theo dõi huyết áp giúp bạn kiểm soát được chỉ số huyết áp của bản thân, từ đó dễ ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm mà huyết áp cao gây ra. Bạn có thể lựa chọn theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà hoặc thăm khám sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
☛ Tham khảo thêm tại: Mẹo giảm huyết áp nhanh chóng tại nhà
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp

Một trong những cách điều trị tăng huyết áp là sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau đến khi cơ thể người bệnh chấp nhận thuốc điều trị cao huyết áp phù hợp:
- Thuốc ức chế Beta: Có tác dụng làm giãn động mạch và giúp tim đập chậm hơn, ít gây áp lực lên tim. Hiệu quả của thuốc là làm giảm áp lực máu bơm qua động mạch ở mỗi nhịp tim và chặn một số nội tiết tố trong cơ thể khiến huyết áp tăng.
- Thuốc lợi tiểu: Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp là do lượng muối cao và lượng chất dịch trong cơ thể bị dư thừa. Thuốc lợi niệu điều trị tăng huyết áp có tác dụng đào thải muối và lượng chất dịch dư ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, giúp hạ áp lực lưu lượng máu;
- Chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin: Angiotensin là hóa chất khiến thành động mạch và mạch máu co hẹp lại. Thuốc có tác dụng ức chế men chuyển sinh chất angiotensin ngăn không cho cơ thể sản sinh quá nhiều loại hóa chất này, nhờ đó mà giúp giảm áp lực máu và mạch máu giãn. Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin ngăn không cho chất Angiotensin gắn vào các thụ thể của nó gây ra tác động co mạch.
- Thuốc chặn Canxi: Loại thuốc điều trị tăng huyết áp này có tác dụng chặn 1 số gốc canxi thâm nhập vào cơ tim làm giảm áp lực từ tim và giảm chỉ số huyết áp.
- Thuốc chặn Alpha-2: Thuốc này có tác dụng giảm huyết áp và giãn mạch máu. Cơ chế của loại thuốc này là làm thay đổi xung thần kinh mà gây co mạch máu, từ đó làm thư giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp hiệu quả.
☛ Chi tiết tại: Thuốc trị cao huyết áp – sử dụng đúng cách
Điều trị cao huyết áp khẩn cấp
Tăng huyết áp khẩn cấp là tình trạng mức huyết áp của bệnh nhân tăng lên rất cao ở mức > 180/120 mmHg nhưng không kèm theo các triệu chứng tổn thương cơ quan đích như đau ngực, khó thở, yếu tay chân, suy giảm ý thức, nhìn mờ, buồn nôn,…
Phương pháp điều trị tăng huyết áp khẩn cấp phổ biến là dùng thuốc hạ huyết áp từ từ trong vòng 24-28 giờ kết hợp với lối sống lành mạnh sau đó.
Cụ thể, trong nhà phải luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ huyết áp. Các loại thuốc này cần phải được bác sĩ kê đơn và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi nhiều, tiếp tục sử dụng thuốc huyết áp theo toa điều trị kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Trường hợp, huyết áp vẫn còn cao, thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để được tiếp nhận điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Kết luận: Bài viết trên đã giới thiệu về huyết áp cao, nguyên nhân và cách nhận biết được một số triệu chứng tăng huyết áp điển hình nhất giúp bạn chẩn đoán sớm, thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nghiêm trọng, gây ra hậu quả đáng tiếc. Bạn nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi những người thân trong gia đình có tiền sử bệnh. Người bệnh cần theo dõi lâu dài, thường xuyên đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Theo Giaocolam.vn