Insulin là một hormone quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Được tuyến tụy sản xuất, insulin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ đường trong máu và duy trì sự cân bằng chuyển hóa. Nếu bạn muốn hiểu chi tiết về insulin, vai trò của nó, cũng như mối quan hệ giữa insulin và bệnh tiểu đường, hãy đọc bài viết dưới đây!
Mục lục
Insulin là gì?
Insulin là một hormone nội tiết do tuyến tụy tiết ra, có chức năng điều chỉnh và ổn định lượng đường trong máu, đồng thời giúp chuyển hóa carbohydrate để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Tuyến tụy là một cơ quan nằm ở vùng giữa bụng, bao quanh là dạ dày, lá lách, túi mật, ruột non và gan. Tụy có hai phần chính: tụy ngoại tiết và tụy nội tiết (hay còn gọi là đảo tụy Langerhans). Insulin được tiết ra từ các tế bào beta trong đảo tụy, cùng với các hormone khác như glucagon và somatostatin.
Về mặt cấu trúc phân tử, insulin được cấu tạo bởi 2 chuỗi acid amin, chuỗi A gồm 21 acid amin, chuỗi B gồm 32 acid amin, chúng được nối với nhau bởi 3 cầu nối disulfua. Nếu các cầu nối này bị đứt, 2 chuỗi A và B tách nhau ra, insulin sẽ mất hoạt tính.
Quá trình sinh tổng hợp insulin
Quá trình sinh tổng hợp insulin được diễn ra như sau:
- Insulin được hình thành xuất phát từ việc các ribosome tiến hành dịch mã ARN insulin để tạo thành preproinsulin. Sau đó, các enzyme ty thể sẽ tiến hành tách preproinsulin thành proinsulin.
- Proinsulin thường được gọi là “tiền insulin”, cấu tạo gồm 3 chuỗi acid amin là A, B và C. Tuy vậy chúng hoàn toàn không có tác dụng cân bằng đường huyết của insulin.
- Insulin chỉ thực sự được hình thành khi bộ máy Golgi tiến hành cắt chuỗi C của proinsulin, đồng thời hình thành các cầu nối disulfua giữa hai chuỗi A và B.
- Insulin được bài tiết vào máu ở dạng tự do, chúng chỉ tồn tại trong hệ thống tuần hoàn khoảng 10 đến 15 phút, sau đó sẽ bị loại bỏ.
- Insulin được cơ thể tiết ra trong suốt 24 giờ với lượng tiết khoảng 50 đơn vị/ngày, tuy nhiên nhịp tiết không đồng đều mà phụ thuộc nhiều vào mức glucose trong huyết tương.
- Khi nồng độ glucose cao (thường trong và sau các bữa ăn) thì insulin được tăng bài tiết và ngược lại.
Vai trò của insulin đối với cơ thể
Insulin là một hóc môn quan trọng trong cơ thể vì nó tác dụng toàn diện lên quá trình chuyển hóa các chất bao gồm quá trình chuyển hóa glucid, chuyển hóa lipid và chuyển hóa protein.
Tác dụng của insulin lên quá trình chuyển hóa glucid
Glucid hay carbohydrate chính là các chất bột đường có vị ngọt, đây là nguồn cung cấp năng lượng hoạt động chính cho cơ thể. Glucid có nhiều trong các thực phẩm giàu tinh bột và đường được con người sử dụng rất phổ biến như gạo, bột mì, khoai, sắn, các loại trái cây,…
Insulin đóng vai trò chính trong chuyển hóa glucid, giúp các tế bào hấp thụ glucose từ máu để sản xuất năng lượng hoặc lưu trữ dưới dạng glycogen trong gan và cơ bắp. Khi lượng glucose trong máu tăng sau bữa ăn, insulin tăng bài tiết để duy trì mức đường huyết ổn định.
Điều này đồng nghĩa với việc, khi lượng insulin bị thiếu hụt hoặc mất đi, thế cân bằng đó sẽ bị phá vỡ.
Tác dụng lên quá trình chuyển hóa lipid
Có thể hiểu nôm na rằng lipid chính là chất béo, chúng hiện hữu ở cả thực vật và động vật. Chất béo cũng là nhóm chất cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, ngoài ra nó còn giúp duy trì thân nhiệt, là nguyên liệu cấu thành các tổ chức khác như màng tế bào, mô thần kinh, não tủy…
Trong quá trình chuyển hóa lipid, insulin có vai trò làm tăng sự tổng hợp chất béo từ glucose tại các mô mỡ và tăng quá trình dự trữ chất béo tại các mô mỡ đó. Nếu không có insulin, quá trình chuyển hóa lipid sẽ gặp vấn đề, xuất phát chủ yếu từ sự tăng hoạt động của enzym lipase HSL. Lipase HSL là loại enzym giúp giải phóng các acid béo đi vào máu, thông thường insulin sẽ ức chế enzym này.
Khi thiếu insulin, chất béo bị phân giải nhiều hơn, dẫn đến tình trạng tăng acid béo tự do trong máu, từ đó có thể gây nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường. Việc tăng cường đốt cháy các acid béo tại mô mỡ chính là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc tại sao các bệnh nhân tiểu đường thường sút cân và gầy.
Vai trò của insulin lên chuyển hóa protid (protein)
Protid chính là các acid amin, nếu gọi glucid là tinh bột, lipid là chất béo thì protid chính là các chất đạm (protein). Chúng có nhiều trong các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,…
Protid đóng vai trò hết sức quan trọng, nó là nguyên liệu cấu thành các bộ phận của cơ thể như cơ bắp, máu, da, các loại men, các kháng thể,….Protid khi được đốt cháy cũng tạo ra năng lượng cho cơ thể.
Insulin kích thích quá trình tổng hợp protein và ngăn ngừa sự phân giải protein trong cơ thể. Khi không đủ insulin, cơ thể sẽ phân giải protein để tạo năng lượng thay thế, dẫn đến giảm khối lượng cơ và sút cân ở người tiểu đường. Ngoài việc tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất như trên, insulin còn ảnh hưởng đến sự phát triển thông qua việc hiệp đồng tác dụng với hóc môn tăng trưởng là GH.
Mối quan hệ giữ insulin và bệnh tiểu đường!
Khi xét nghiệm chỉ số đường huyết glucose trong máu cho kết quả cao hơn mức 7 mmol/L.
Tiểu đường là một bệnh lý do sự rối loạn trong sản xuất hoặc sử dụng insulin. Tiểu đường có hai loại chính:
- Tiểu đường tuýp 1: Tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin, người bệnh phải tiêm insulin ngoại sinh để kiểm soát đường huyết.
- Tiểu đường tuýp 2: Tuyến tụy vẫn sản xuất insulin, nhưng cơ thể đề kháng với insulin, khiến việc sử dụng hormone này kém hiệu quả.
Việc thiếu hụt insulin là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng trong quá trình chuyển hóa glucid, lipid, protid. Hệ quả là gây xáo trộn các chức năng trong cơ thể, nếu không kịp thời can thiệp bệnh nhân tiểu đường sẽ nhận phải những biến chứng nặng nề.
➤ Xem thêm: Hiểu đúng và đủ về Tiểu đường
Khi nào người bệnh tiểu đường cần sử dụng Insulin?
Như đã trình bày ở phần trước, người bệnh tiểu đường thiếu hụt insulin nội sinh hoặc bị đề kháng với loại hormone này cho nên insulin ngoại sinh được đưa vào cơ thể để điều trị bệnh đái tháo đường. Thay thế phần nào đó lượng insulin mà có thể bị thiếu.
Đối với người bệnh tiểu đường type 1: Chỉ định sử dụng insulin đường tiêm là bắt buộc, do các tế bào beta của đảo tụy gần như không còn khả năng tiết hormone cho cơ thể.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2: Insulin có thể được sử dụng sau quá trình điều trị đường máu với thuốc mà không đạt hiệu quả, hoặc khi diễn biến bệnh đã nặng đi kèm với một số bệnh lý khác mà không thể dùng thuốc uống.
Một số chỉ định dùng insulin khác với tiểu đường type 2 như:
- Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, vết thương cấp tính khi đường máu cao sẽ là môi trường cho vi khuẩn phát triển nên cần dùng insulin để hạ đường máu
- Biến chứng nhiễm toan ceton nguy hiểm tới tính mạng
- Bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật, bệnh có suy gan, bệnh suy thận
- Phụ nữ đang bị tiểu đường type 2 mà đang có thai
- Xét nghiệm HbA1C của bệnh nhân lớn hơn 7%: Đây là chỉ số đánh giá khả năng kiểm soát đường máu của cơ thể, mục tiêu khi điều trị tiểu đường là luôn giữ chỉ số này ở mức dưới 6.5%
➤ Có thể bạn quan tâm: Tiểu đường tuýp 1 được điều trị với Insulin như thế nào?
Tác dụng không mong muốn của insulin khi điều trị tiểu đường
Khi sử dụng insulin để điều trị tiểu đường, nó cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
- Hạ đường máu: tác dụng của insulin là để hạ đường máu nhưng khi sử dụng quá liều, đường máu giảm nhanh thì cũng rất nguy hiểm cho người. Các biểu hiện như: Vã mồ hôi, lú lẫn, run rẩy, co giật nhẹ…là những dấu hiệu khi người bệnh hạ đường máu.
- Tăng đường máu phản ứng: Hay còn gọi là hiện tượng Somogyi khi sử dụng quá liều insulin, huyết áp hạ đột ngột kích thước quá trình điều hòa ngược gây ra tình trạng tăng glucose phản ứng.
- Loạn dưỡng mô mỡ: Insulin thường được tiêm vào dưới da, điều này lâu ngày sẽ gây loạn dưỡng mô mỡ với các biểu hiện như sạm da nơi tiêm, da nhăn nheo teo lại, mẩn ngứa, đỏ tấy…hormone cũng bị giảm hấp thu khi tiêm vào cùng 1 vị trí nhiều lần.
- Tăng cân: Hormone này làm tế bào dùng glucose để tạo ra năng lượng nhiều hơn, khi đó bệnh nhân có thể bị thừa cân do dư thừa năng lượng.
- Dị ứng với Insulin: Do insulin ngoại sinh được điều chế từ nhiều cách khác nhau, khi đưa vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng dị ứng. Tuy nhiên, hiện nay điều này khá hiếm gặp nên bạn có thể yên tâm.
Lưu ý khi sử dụng insulin điều trị bệnh
Để sử dụng insulin điều trị tiểu đường hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị: Liều dùng, đường dùng, giờ tiêm, kĩ thuật tiêm thuốc…Insulin là thuốc làm hạ đường máu nhanh và mạnh vì thế cần phải theo sát hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ lạnh từ 3-8 độ C. Tuyệt đối không để thuốc bị đông cứng hoặc để nơi nhiệt độ quá cao đều làm mất tác dụng của thuốc.
- Kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn và tập luyện để đạt hiệu quả điều trị cao nhất
- Bệnh nhân và người chăm sóc phải nắm được các tác dụng phụ khi sử dụng insulin để phòng tránh
- Bạn nên có thêm máy đo đường máu tại nhà để biết được thuốc tiêm có hiệu quả hay không? Nhằm kịp thời chỉnh liều và đổi phác đồ điều trị
Lời kết: Cơ thể là một tổ chức phức tạp mà mỗi một thành phần cấu tạo nên cơ thể đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của nó, insulin cũng vậy. Việc hiểu rõ insulin là gì, vai trò của insulin đối với cơ thể sẽ giúp bạn lý giải được những bệnh lý do thiếu hụt insulin gây ra như bệnh tiểu đường. Một lối sống lành mạnh sẽ giúp các bộ phận trong cơ thể bạn hoạt động trơn tru, nhờ đó mà sức khỏe sẽ được giữ ở mức tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
https://www.studymode.com/essays/Insulin-And-Diabetes-1143300.html
https://www.endocrineweb.com/conditions/type-1-diabetes/what-insulin