Điều trị tiểu đường tuýp 2 càng sớm càng tốt nhằm cải thiện triệu chứng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý này. Vậy các nhóm thuốc nào dùng điều trị tiểu đường tuýp 2? Mời các bạn tham khảo ngay sau đây.
Mục lục
- 1- Nhóm Sulfonylurea: Diamicron, Daonil, Glyade…
- 2- Nhóm Biaguanide: Phenformin, Metformin
- 3- Nhóm ức chế men alpha – glucosidase: Acarbose (Glucobay), Voglibose, Migliton
- 4- Nhóm Thiazolidinediones (TZD): Rosiglitazone, Pioglitazone
- 5- Nhóm Meglitimide: NovoNorm
- 6- Nhóm ức chế DPP – 4: Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), Linagliptin (Tradjenta), Alogliptin (Nesina)
- 7- Nhóm ức chế SGLT2: Canagliflozin (Invokana), Dapagliflozin (Farxiga)
Ở người bệnh đái tháo đường type 2, đường huyết tăng cao có thể do giảm hoạt động của tuyến tụy, giảm sản xuất insulin, tăng đề kháng insulin. Do vậy, tùy vào tình trạng bệnh mà có chỉ định các nhóm thuốc điều trị khác nhau; có thể kết hợp nhiều nhóm thuốc với nhau để làm tăng hiệu quả điều trị, giảm liều các thuốc sử dụng và hạn chế tình trạng nhờn thuốc.
Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 gồm:
1- Nhóm Sulfonylurea: Diamicron, Daonil, Glyade…
Là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ bến và rộng rãi cho người bệnh đái tháo đường type 2. Với các biệt dược được sử dụng hiện nay như: gliclazide (Diamicron, Genrx gliclazide, Glyade, Mellihexal, Oziclide), glibenclamide (Daonil, Glimel), glipizide (Melizide, Minidiab), glimepiride (Amaryl, Aylide, Diapride, Glimepiride Sandoz).
Nhóm sulfonylurea kích thích tế bào beta đảo tụy giải phóng insulin, do đó có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh không bị tăng đường huyết hay sử dụng khi đói. Bởi vậy, nên sử dụng trước khi ăn 30 phút để giúp ổn định đường huyết sau ăn. Thường khi dùng sẽ bắt đầu từ liều nhỏ và tăng dần dần liều cho đến khi đạt được liều điều trị hiệu quả và duy trì liều điều trị đó. Tuy nhiên, khi có phản ứng hạ đường huyết thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được chỉnh liều phù hợp.
2- Nhóm Biaguanide: Phenformin, Metformin
Các thuốc thuộc nhóm Biaguanide không kích thích tuyến tụy giải phóng insulin nên không gây hạ đường huyết như nhóm Sulfonylurea. Thuốc có tác dụng hạ đường huyết theo nhiều cơ chế khác nhau như: Ức chế tăng sinh glucose ở gan, tăng nhạy cảm insulin ở tổ chức ngoại vi, tăng sử dụng glucose ở cơ và giảm hấp thu glucose ở ruột. Bên cạnh đó còn có tác dụng ức chế tổng hợp lipid, làm giảm mỡ máu (cholesterol, triglyceride) và gây chán ăn nên tốt cho những người bệnh tiểu đường bị béo phì
Metformin thuộc nhóm Biaguanide là thuốc được chỉ định đầu tay trong điều trị ĐTĐ type 2 và đã được chứng minh tính hiệu quả hơn trong điều trị bệnh, giúp phòng ngừa các biến chứng mạch máu và giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh ĐTĐ type 2.
Metformin thuốc điều trị tiểu đường
Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nhiễm toan acid, có vị kim loại. Để hạn chế tác dụng phụ, nên bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng lên từ từ và uống khi đang ăn hay sau bữa ăn.
3- Nhóm ức chế men alpha – glucosidase: Acarbose (Glucobay), Voglibose, Migliton
Là nhóm thuốc duy nhất còn được dùng phối hợp với insulin trong điều trị ĐTĐ typ1. Các thuốc thuộc nhóm có tác dụng giảm đường huyết sau ăn do làm chậm hấp thu glucose ở ruột non và được chỉ định uống giữa bữa ăn.
4- Nhóm Thiazolidinediones (TZD): Rosiglitazone, Pioglitazone
Các thuốc nhóm TZD có tác dụng làm tăng nhạy cảm của insulin tại các mô trong cơ thể và giảm rối loạn mỡ máu tương tự như nhóm Biguanide. Nhưng thuốc lại làm tăng tích trữ mỡ dưới da nên thường gây tăng cân cho người bệnh. Mặt khác còn gây giữ nước, do đó cần thận trọng khi sử dụng điều trị cho những người bệnh tim mạch hay viêm gan, men gan tăng cao.
5- Nhóm Meglitimide: NovoNorm
Nhóm Meglitimide có tác dụng kích thích tế bào beta của đảo tụy tăng sản xuất insulin và xuất hiện tác dụng nhanh, chỉ 30 phút sau khi uống. Do đó nên uống thuốc trước khi ăn 15 – 30 phút, không được uống thuốc nếu không ăn vì sẽ gây hạ đường huyết.
6- Nhóm ức chế DPP – 4: Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), Linagliptin (Tradjenta), Alogliptin (Nesina)
Nhóm này không chỉ có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu mà còn giúp cải thiện chỉ số HbA1c và không gây hạ đường huyết. Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng ngăn ngừa sự phân hủy của hormon GLP – 1 (được tăng tiết sau bữa ăn và có tác dụng làm giảm đường huyết, giảm sản xuất glucose ở gan, nhưng lại bị phân hủy rất nhanh bởi enzyme DPP – 4), làm kéo dài thời gian hoạt động của GLP – 1 nên giúp giảm glucose huyết.
7- Nhóm ức chế SGLT2: Canagliflozin (Invokana), Dapagliflozin (Farxiga)
Đây là một nhóm thuốc mới được sự chấp nhận của FDA trong điều trị ĐTĐ type 2 vào đầu năm 2014. Nhóm này ức chế kênh Na – glucose (SGLT2) có tác dụng tái hấp thu glucose máu ở thận, do đó làm tăng đào thải glucose qua nước tiểu, giảm đường huyết trong cơ thể. Tuy nhiên có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, âm đạo, nước tiểu do tạo môi trường thuận lợi cho nấm men, vi khuẩn phát triển.
Tuy nhiên, các thuốc điều trị ĐTĐ không thể sử dụng trong một số trường hợp như: ĐTĐ typ1e (do tế bào đảo tụy mất khả năng sản xuất insulin), người bệnh ĐTĐ type 2 bị bệnh cấp tính (nhiễm trùng, phẫu thuật, đột quỵ…), phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và những người suy gan, suy thận hay dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc. Do vậy, người bệnh cần phải tiêm insulin để giúp kiểm soát đường huyết ổn định.
Insulin:
Bệnh ĐTĐ type 2 sau 5 – 10 năm tuyến tụy sẽ bị giảm hoặc mất khả năng sản xuất insulin, do đó các nhóm thuốc trên không còn hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và người bệnh cần phải tiêm insulin để giúp ổn định đường huyết. Theo khuyến cáo mới trong điều trị bệnh ĐTĐ type 2 thì người bệnh nên sớm sử dụng insulin sẽ giúp cải thiện chức năng của tuyến tụy, kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do đường huyết tăng cao.
Phối hợp các nhóm thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị đái đường
Insulin giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả
Theo thời gian tiến triển bệnh, các thuốc điều trị sẽ giảm dần hiệu quả điều trị mặc dù đã tăng liều ở mức cao. Do vậy, theo khuyến cáo mới của hiệp hội ĐTĐ Mỹ thì nên sớm kết hợp các nhóm thuốc hoặc kết hợp với insulin sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm liều sử dụng của các thuốc và hạn chế bớt các tác dụng phụ.
Các nhóm thuốc thường được phối hợp với nhau trong điều trị ĐTĐ typ2
- Sulfonylurea + Metformin / Acarbose / TZD;
- Metformin + Acarbose / TZD;
- Insulin + Acarbose / Metformin / Sulfonylure.
- Canagliflozin + Metformin
☛ Tham khảo thêm tại: Các phương pháp điều trị tiểu đường tuýp 2
Dũng đã bình luận
tôi bị tiểu đường tuýp 2 ở giai đoạn 2, liệu có phải uống thuốc điều trị suốt đời không?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào anh Dũng!
Bệnh tiểu đường tuýp 2 không điều trị dứt điểm được, người bệnh phải dùng thuốc Tây y suốt thời theo chỉ định của bác sĩ. Việc giảm liều lượng thuốc hoặc ngừng 1 thời gian cần có sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn.