Tăng huyết áp thai kỳ hay tăng huyết áp khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với mẹ bầu. Thậm chí, một số sản phụ bị tăng huyết áp có thể diễn tiến đến tiền sản giật, phù phổi, suy đa cơ quan và ảnh hưởng tới tính mạng. Nắm rõ những thông tin về bệnh giúp các chị em có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Mục lục
- Tăng huyết áp thai kỳ là thế nào?
- Các thể tăng huyết áp thai kỳ
- Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp thai kỳ?
- Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp thai kỳ
- Dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ
- Tăng huyết áp thai kỳ có nguy hiểm không?
- Điều trị tăng huyết áp thai kỳ bằng thuốc
- Phòng ngừa và cải thiện tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ là thế nào?
Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp sau tuần thứ 20 của thai kỳ, sau đó huyết áp sẽ trở về bình thường trong khoảng 6 tuần sau khi sinh em bé. Tăng huyết áp thai kỳ sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Đối với mẹ có thể gặp nguy cơ đột quỵ, bong rau, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Đối với em bé có thể khiến thai nhi chậm phát triển, thai chết lưu, sinh non,…
Tăng huyết áp thai kỳ sẽ dựa vào mức huyết áp khi thai phụ đi khám thai với chỉ số là:
- Tăng huyết áp thai kỳ ở mức độ nhẹ:
- Huyết áp tâm thu: ≥ 140-159 mmHg.
- Huyết áp tâm trương: ≥ 90-109 mmHg.
- Tăng huyết áp thai kỳ ở mức độ nặng:
- Huyết áp tâm thu: ≥ 160 mmHg.
- Huyết áp tâm trương: ≥ 110 mmHg.
☛ Tham khảo thêm tại: Huyết áp tâm thu tâm trương là gì?
Các thể tăng huyết áp thai kỳ
Có 5 thể tăng huyết áp thai kỳ khác nhau. Phân loại cụ thể là:
Tăng huyết áp thai kỳ
Thể này là huyết áp tăng trong thai kỳ nhưng không có những dấu hiệu tiền sản giật khác. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể sẽ trở lại bình thường sau khi sinh khoảng 12 tuần hoặc cũng có thể chuyển thành tăng huyết áp mạn tính nếu sau đó huyết áp vẫn tiếp tục tăng.
Tiền sản giật
Tiền sản giật nhẹ:
- Lúc này chỉ số huyết áp là ≥ 140/90mmHg ở sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Protein niệu ≥ 300mg/24 giờ hay que thử ≤ 2+.
- Protein/Creatinin niệu ≥ 0,3.
Tiền sản giật nặng:
- Huyết áp lúc này có chỉ số là ≥ 160/110mmHg.
- Protein niệu ≥ 300mg/24 giờ hay que thử ≤ 3+.
- Thiểu niệu < 500ml/24 giờ.
- Xét nghiệm máu: Creatinin > 1,3mg/dl và tiểu cầu < 100.000/mm3. Chức năng gan bất thường.
- Thai phụ có dấu hiệu đau đầu, rối loạn thị giác, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
- Thai nhi chậm phát triển.
Sản giật
Giai đoạn sản giật, huyết áp tăng cao kèm theo những cơn co giật trải qua 4 giai đoạn điển hình là:
- Xâm nhiễm.
- Co cứng.
- Giật giãn cách.
- Hôn mê.
Tăng huyết áp thai kỳ mạn tính
Tăng huyết áp thai kỳ mạn tính là khi chỉ số huyết áp ở mức >140/90 mmHg vào trước tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau tuần thai thứ 20 và tăng huyết áp sau sinh kéo dài 6 tuần sau đó.
Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp thai kỳ mãn tính
Thể tăng huyết áp thai kỳ này có khả năng cao xảy ra khi thai phụ bị tăng huyết áp, đồng thời có thêm protein niệu lần đầu hoặc đã có tiền sử tăng cả hai chỉ số này, hoặc bỗng nhiên tăng đột ngột cả huyết áp và Protein niệu, giảm tiểu cầu hay tăng men gan cụ thể là:
- Protein niệu mới xuất hiện ≥ 300mg/24 giờ ở thai phụ có tiền sử tăng huyết áp nhưng không có Protein niệu vào trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Huyết áp và Protein niệu tăng đột ngột, tiểu cầu < 100.000/mm3 ở thai phụ tăng huyết áp và cả Protein niệu vào trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp thai kỳ?
Tăng huyết áp thai kỳ có thể xuất phát từ những nguyên nhân chính dưới đây:
- Mắc bệnh tiểu đường hoặc những bệnh lý có liên quan dẫn đến biến chứng tăng huyết áp khi mang thai.
- Thai phụ trên 35 tuổi.
- Thời tiết khắc nghiệt, thay đổi nóng lạnh thường xuyên.
- Thai phụ không có biện pháp dưỡng thai đúng cách.
- Không có thói quen luyện tập thể chất.
- Thừa cân, béo phì.
- Ăn quá mặn, chế độ dinh dưỡng trong toàn bộ thai kỳ thiếu khoa học.
- Thai phụ có tiền sử tăng huyết áp.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp thai kỳ
Các yếu tố nguy cơ có khả năng gây tăng huyết áp thai kỳ thường bao gồm:
Lối sống
Thừa cân, béo phì. Ít vận động. Ăn uống mất kiểm soát, ăn mặn. Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá,… đây là những thói quen sống thiếu lành mạnh và là yếu tố nguy cơ cao khiến thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ.
Tuổi tác
Tuổi tác cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp thai kỳ, đặc biệt là đối với thai phụ trên 35 tuổi sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn những thai phụ tuổi từ 20 đến dưới 30.
Bên cạnh đó, phụ nữ có tiền sử cao huyết áp cũng có nguy cơ cao gặp những biến chứng trong thai kỳ so với những phụ nữ có chỉ số huyết áp bình thường trước khi mang thai.
Sinh đôi hoặc đa thai
Phụ nữ mang thai đôi hoặc đa thai sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ cao hơn những phụ nữ mang thai đơn bình thường. Bởi lẽ, cơ thể thai phụ mang thai đôi hoặc đa thai phải hoạt động nhiều hơn gấp nhiều lần để nuôi dưỡng thai nhi phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nếu biết cách kiểm soát tốt, mẹ bầu có thể hạn chế được nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ ở những lần mang thai tiếp theo.
Dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ
Dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ không quá rõ nét và triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau. Thai phụ có thể nhận biết qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Huyết áp cao khi đo.
- Tăng cân đột ngột.
- Chân tay có dấu hiệu sưng, phù.
- Buồn nôn và ói mửa nhiều.
- Rối loạn thị giác như: mắt mờ, nhìn hình nhân đôi.
- Ít đi tiểu.
- Đau thượng vị hoặc bên phải vùng bụng.
- Chức năng gan, thận có sự thay đổi, nhận biết qua xét nghiệm.
Tăng huyết áp thai kỳ có nguy hiểm không?
Nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt, thì tình trạng tăng huyết áp thai kỳ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm lên cả mẹ và bé, cụ thể là:
Đối với thai phụ:
- Tiền sản giật. Theo thống kê cho thấy có đến 25% phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ đều có nguy cơ bị tiền sản giật. Trong đó có 5-8% thai phụ tử vong.
- Nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan như thận, tim mạch.
- Dễ bị tăng huyết áp thai kỳ ở những lần mang thai tiếp theo.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ sau khi sinh, đồng thời khả năng cơ thể hồi phục sẽ chậm hơn.
- Bong nhau thai.
- Suy tạng.
- Tai biến mạch máu não.
Đối với thai nhi:
- Thai phát triển chậm, lưu thai.
- Sinh non.
- Nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ bằng thuốc
Sau khi thăm khám, tùy thuộc vào thể trạng bệnh mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị cho thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ. Có một số loại dùng được và cũng có loại không thể sử dụng. Cụ thể là:
Loại thuốc được dùng
Một số loại thuốc dưới đây được bác sĩ chỉ định điều trị tăng huyết áp thai kỳ, bởi các loại thuốc này khá an toàn và không gây ra tác dụng phụ cho cả mẹ và bé.
- Labetalol (trandate): Đây là loại thuốc trị cao huyết áp có khả năng chẹn và ức chế thụ thể ở mạch ngoại vi giúp giảm sức cản ngoại vi, đồng thời hạ huyết áp an toàn cho thai phụ. Labetalol thường được bào chế ở dạng thuốc tiêm hoặc viên uống với hàm lượng 100-200mg.
- Hydralazin (Apresoline): Hydralazin là loại thuốc có công dụng giãn mạch, làm giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Đặc biệt sử dụng cho thai phụ bị cao huyết áp nặng và tiền sản giật. Thuốc thường được sử dụng tiêm qua đường tĩnh mạch của thai phụ.
- Methyldopa (aldomet): Là một loại thuốc cao huyết áp có khả năng tác động lên hệ thần kinh trung ương, thuốc này được chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp. Thuốc thường được bào chế ở dạng viên với hàm lượng 250mg-500mg.
Loại thuốc không được dùng
Một số loại thuốc chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai, vì chúng có khả năng đi qua nhau thai và gây hại cho thai nhi như: thai chết lưu, suy thận,… các loại thuốc này bao gồm:
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển: captopril, lisinopril, enalapril.
- Thuốc chẹn beta: atenolol.
- Nhóm đối kháng với thụ thể angiotensin II: telmisartan, losartan, irbesartan.
- Nhóm thuốc chẹn canxi: nifedipin, amlodipin.
- Nhóm thuốc lợi tiểu: furosemid, hydroclorothiazid.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Thuốc trị cao huyết áp – Sử dụng không đúng lợi bất cập hại
Phòng ngừa và cải thiện tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ mang đến nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé, vậy nên việc tìm ra phương pháp phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh là điều hết sức quan trọng. Thai phụ có thể tham khảo cách phòng ngừa và cải thiện cụ thể như sau:
Cách phòng ngừa
- Phải tuyệt đối khám thai đúng hẹn và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai.
- Hạn chế ăn mặn, giảm lượng muối trong quá trình nấu nướng.
- Bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây tươi cho cơ thể.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày là điều cần thiết với thai phụ.
- Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ sinh sớm hơn dự kiến để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Nếu thai phụ bị tiền sản giật với diễn biến nghiêm trọng thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc trong quá trình chuyển dạ để tránh tình trạng co giật.
- Sau khi sinh mà huyết áp vẫn tăng và phải sử dụng thuốc điều trị thì bác sĩ vẫn khuyến khích mẹ cho bé bú.
Phương pháp cải thiện tăng huyết áp thai kỳ
Nếu có tiền sử tăng huyết áp trước khi mang thai, cần được thăm khám sức khỏe kỹ trước khi có ý định thụ thai để tránh những rủi ro xảy ra nếu bị tăng huyết áp thai kỳ. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể tham khảo:
Khám thai định kỳ
Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần thăm khám định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trong mỗi lần khám thai bác sĩ sẽ kiểm tra trọng lượng cũng như huyết áp của mẹ. Các xét nghiệm máu và nước tiểu cũng có thể được tiến hành thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, siêu âm cũng là biện pháp theo dõi sát xao sự phát triển của bé, dựa vào nhịp tim của thai nhi, bác sĩ cũng có thể đánh giá sức khỏe của bé ở thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ.
Giải tỏa căng thẳng
mang thai khiến cho hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi dẫn đến tâm sinh lý của họ cũng bị ảnh hưởng. Điều này khiến thai phụ căng thẳng, mệt mỏi đồng thời làm cho huyết áp tăng cao, khó kiểm soát.
Thế nên, thai phụ cần có những biện pháp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi để đưa chỉ số huyết áp về mức ổn định. Một số biện pháp giúp thai phụ thư giãn tinh thần bao gồm: thiền định, tập yoga, hít thở sâu, nghe nhạc, đọc sách,…
Tránh xa rượu, bia và thuốc lá
Rượu, bia và thuốc lá chính là những tác nhân gây tăng huyết áp thai kỳ cùng nhiều biến chứng khác trong quá trình mang thai. Vì thế mà, thai phụ cần tránh xa những tác nhân xấu này để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp thai kỳ có bao gồm ăn mặn và thừa cân, béo phì. Nếu đi khám khi chưa mang thai, bác sĩ sẽ khuyên bạn giảm cân trước khi muốn thụ thai. Do đó, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, kết hợp với luyện tập thể chất hàng ngày giúp ổn định cân nặng ở mức cho phép là điều rất quan trọng.
Mỗi thai phụ sẽ có chế độ ăn uống không giống nhau, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống phù hợp và khoa học, dựa trên chỉ số cân nặng cũng như chiều cao của mỗi thai phụ.
☛ Xem chi tiết tại: Huyết áp cao nên ăn gì? Kiêng gì?
Luyện tập thể chất phù hợp
Không phải chỉ những người bình thường mới cần tập thể dục, mà việc tập thể dục đều đặn còn rất quan trọng đối với thai phụ nhằm phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ.
Thường xuyên luyện tập giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng sức đề kháng, tăng lưu thông máu trên toàn bộ cơ thể, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, từ đó giúp cả mẹ và bé đều khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai.
Một số môn tập phù hợp mẹ bầu có thể tham khảo: yoga, bơi lội, thiền định, đi bộ nhẹ nhàng,… Lưu ý, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn được môn tập phù hợp nhất với thể trạng của thai phụ.
Tóm lại tăng huyết áp thai kỳ là bệnh lý gây ra nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thế nên, trước khi mang thai phụ nữ nên thăm khám và tầm soát cũng như nghe tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình mang thai. Bởi vì, tăng huyết áp thai kỳ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả thai phụ và thai nhi, chính vì thế cần có những thay đổi tích cực về lối sống để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp thai kỳ gây ra.
Mong rằng những chia sẻ của giaocolam.vn sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu cần được tư vấn chi tiết hơn, bạn có thể gọi đến tổng đài 0912571190 hoặc 0839561247 để được hỗ trợ tốt nhất.
Bùi Hoài đã bình luận
e đi khám thai tuần 31, huyết áp có tăng nhẹ nhờ bs tư vấn một số cách cải thiện huyết áp tại nhà giúp em
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào bạn Hoài!
Để cải thiện cao huyết áp trong thai kỳ, bạn nên thực hiện một số điều sau:
– Hạn chế muối trong chế độ ăn uống
– Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học
– Tập luyện thường xuyên với các bài tập phù hợp với sức khỏe như yoga, thiền, bơi lội…
– Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng trong cuộc sống
– Khám thai định kỳ…
Một số mẹo trên sẽ giúp mẹ bầu ổn định chỉ số huyết áp, hạn chế nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi bị cao huyết áp trong thai kỳ.
Thanh Bình đã bình luận
chào bác sĩ, tôi đang mang thai ở tuần 26, gần đây đi khám thai có phát hiện ra chỉ số huyết áp tăng cao. Vậy tôi có phải dùng thuốc không?
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào bạn Bình!
Mang thai bị cao huyết áp tiểm ẩn nhiều nguy hiểm đối với cả mẹ và bé. Để xác định bạn có phải sử dụng thuốc hay không, cần thăm khám cụ thể. Tùy thuộc tình trạng bệnh như thế nào mà bác sĩ tư vấn và chỉ định sử dụng thuốc hay không, dùng loại thuốc nào. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tránh xa căng thẳng, rượu bia… để cải thiện tình trạng tăng huyết áp nhé.