Bệnh tăng huyết áp không chỉ là một vấn đề sức khỏe phổ biến trong y học hiện đại mà còn được y học cổ truyền nhìn nhận với những góc độ độc đáo và sâu sắc. Theo y học cổ truyền, tăng huyết áp lại là một chứng bệnh thuộc phạm vi huyễn vựng (hỏa chắt, chóng mặt, đau váng đầu). Để hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp theo y học cổ truyền, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Mục lục
1. Khái niệm tăng huyết áp trong y học cổ truyền
Bệnh tăng huyết áp là tình trạng áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao vượt quá mức cho phép (cụ thể huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm ≥ 90mmHg). Sở dĩ có thuật ngữ là do Y học hiện đại (YHHĐ) căn cứ trên kết quả của máy đo huyết áp.
Ngược lại với Y học hiện đại (YHHĐ), trong y học cổ truyền (YHCT) không có danh từ tăng huyết áp. Đối với YHCT, tăng huyết áp được xem như là một hội chứng bao gồm:
- Hoa mắt, chóng mặt được xếp vào chứng Huyễn vựng.
- Đau đầu được xếp vào chứng Đầu thống.
- Hồi hộp, đánh trống ngực được xếp vào chứng Tâm úy, Chính xung.
- Đau ngực được xếp vào chứng Tâm thống
- Đau ngực có kèm khó thở thì gọi là Tâm tý, Tâm trướng.
- Hôn mê, liệt nửa người xếp vào chứng Trúng phong
Như vậy, khái niệm tăng huyết áp trong YHCT là Huyễn vựng, Đầu thống,… nội dung này rất gần với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu của bệnh tăng huyết áp trong YHHĐ.
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp trong Y học cổ truyền
Theo quan niệm của YHCT, nguyên nhân gây tăng huyết áp là do:
Ăn uống không điều độ: Chế độ ăn quá nhiều các chất béo, ngọt hay sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá sẽ làm tổn thương tỳ vị. Tỳ vị mất kiện vận làm thấp trọc nội sinh, hóa đàm hóa hỏa, đàm trọc nhiễu loạn phía trên gây tắc kinh mạch và gây nên bệnh.
Nội thương hư tổn: Ở những người cao tuổi có sức khỏe yếu, người lao động quá mức khiến cơ thể lao lực sẽ khiến can không được nuôi dưỡng, từ đó dẫn đến can phong nội động sinh ra chứng huyễn vựng.
☛ Tham khảo thêm: Nguyên nhân gây huyết áp cao trong Tây y
3. Phân loại tăng huyết áp theo y học cổ truyền
Theo YHCT từ xa xưa đã phân loại tăng huyết áp thành 3 thể lâm sàng là: can dương vượng, can thận âm hư và đàm thấp.
Tùy vào mỗi thể mà các triệu chứng cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
Thể can dương vượng
Đối tượng: Hay gặp tăng huyết áp ở người trẻ, rối loạn tiền mãn kinh
Triệu chứng:
- Người bệnh thường đau nhức đầu, cơn đau dữ dội
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
- Hay có cơn bốc hỏa
- Dễ cáu gắt
- Di tinh hoặc kinh nguyệt không đều
- Mặt đỏ
- Ít ngủ, hay quên
- Chất lưỡi đỏ
- Rêu lưỡi vàng
- Mạch huyền sác
Thể can thận âm hư
Đối tượng: Hay gặp tăng huyết áp ở người già, xơ cứng động mạch.
Triệu chứng:
- Đau đầu
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
- Hỏng hốt dễ sợ
- Ngủ ít hay nằm mê
- Lưng gối yếu mỏi
- Lòng bàn tay chân nóng, hay ra mồ hôi trộm
- Miệng khô
- Lưỡi đỏ
- Rêu lưỡi vàng
- Mạch huyền tế sác
- Tiểu đêm
Thể đàm thấp
Đối tượng: Hay gặp ở người béo tăng huyết áp và cholesterol máu cao
Triệu chứng:
- Người béo phì
- Ngực sườn đầy tức
- Người bệnh thường hoa mắt, chóng mặt
- Có cảm giác nặng đầu
- Ăn ít, ngủ kém
- Lợm giọng, buồn nôn
- Lưỡi bệu
- Nhiều rêu lưỡi trắng dính dày
- Mạch huyền hoạt
4. Điều trị tăng huyết áp theo y học cổ truyền
Người xưa, trong điều kiện chưa có YHHĐ, để điều trị chứng huyễn vựng người ta thường sử dụng các bài thuốc YHCT tùy theo từng thể lâm sàng.
Như vậy, tùy vào từng thể bệnh phân chia theo YHCT mà các bài thuốc điều trị cũng khác nhau:
Thể can dương vượng
Bài thuốc: Thiên Ma Câu Đằng ẩm
Nguyên liệu: Thiên ma (8g), Câu đằng (12g), Thạch quyết minh (20g), Hoàng cầm (10g), Chi tử (12g), Tang ký sinh (12g), Ích mẫu thảo (12g), Ngưu tất (12g), Đỗ trọng (10g), Câu đằng (12g), Phục linh (12g), Hà thủ ô (10g).
Cách sử dụng: Bài thuốc trên sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.
Công dụng: Trong bài thuốc trên thì thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh có tác dụng bình can tức phong tiềm dương; chi tử, hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa làm cho nhiệt ở kinh can không thiên cang; ích mẫu thảo có tác dụng hoạt huyết lợi thủy; ngưu tất có tác dụng đưa huyết xuống dưới, phối hợp với đỗ trọng và tang ký sinh để bổ ích can thận; câu đằng, phục linh có tác dụng an thần định chí.
Thể thận âm hư
Bài thuốc 1: Kỷ cúc địa hoàng hoàn
Nguyên liệu: Thục địa (12g), Hoài sơn (12g), Sơn thù (10g), Trạch tả (15g), Đan bì (12g), Bạch linh (10g), Kỷ tử (10g), Cúc hoa (10g).
- Nếu triệu chứng điển hình là hoa mắt, chóng mặt thì thêm thiên ma (12g), câu đằng (15g), thạch quyết minh (30g) để bình can tiềm dương.
- Nếu bị đại tiện táo bón thì thêm hỏa ma nhân (15g), bá tử nhân (12g) để tăng cường nhuận tràng thông tiện.
- Nếu mất ngủ, hồi hộp trống ngực thì thêm toan táo nhân (10g), phù tiểu mạch (12g) để tăng cường dưỡng tâm an thần.
Cách sử dụng: Sắc uống ngày 1 thang.
Công dụng: Thục địa và kỷ tử đều có tác dụng tư dưỡng can thận âm, cúc hoa có tác dụng bình tức can phong.
Bài thuốc 2: Lục Vị Quy Thược
Nguyên liệu: Thục địa (32g), Hoài sơn (16g), Đương quy (12g), Đơn bì (12g), Phục linh (12g), Sơn thù (8g), Bạch thược (8g), Trạch tả (6g).
Cách sử dụng: Ngày sắc 1 thang, chia làm 2-3 lần để uống.
Công dụng: Bài thuốc trên có tác dụng bổ thận âm, dưỡng can huyết, thanh nhiệt giáng hoả, kiện tỳ, tiêu đàm lợi thấp, có tác dụng chữa chứng huyễn vựng ( chóng mặt) hỗ trợ điều trị huyết áp cao.
Thể đàm thấp
Bài thuốc 1: Bài thuốc Ôn đởm thang
Nguyên liệu: Trúc nhự (12g), Trần bì (6g), Chỉ thực (12g), Phục linh (8g), Hoa hòe (16g), Bán hạ chế (12g), Cam thảo (6g), Long Đởm thảo (12g), Hoàng cầm (12g), Tang ký sinh (16g).
Cách sử dụng: Sắc uống ngày 01 thang.
Công dụng: Trúc nhự phối hợp với Trần bì hòa vị lý khí tốt, thanh nhiệt mà không hàn. Phục linh phối Cam thảo có tác dụng hòa trung an thần. Trên lâm sàng dùng bài này chữa các bệnh của hệ thần kinh, đờm nhiệt nội kháng, xuất hiện chứng chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, nhất định là công hiệu.
Bài thuốc 2: Bán hạ bạch truật thiên ma thang
Nguyên liệu: Bán hạ (12g), Thiên ma (16g), Bạch truật (12g), Bạch linh (8g), Câu đằng (16g), Ngưu tất (16g), Trần bì (8g), Hoa hoè (10g), Cam thảo (6g), Ý dĩ (10g).
Cách sử dụng: Sắc uống ngày 01 thang.
Công dụng: Trong bài thuốc trên thì bán hạ có tác dụng táo thấp hóa đàm, thiên ma có tác dụng hóa đàm tức phong để giảm đau đầu và chóng mặt; bạch truật có tác dụng kiện tỳ táo thấp, trần bì có tác dụng lý khí hóa đàm; cam thảo có tác dụng kiện tỳ và điều hòa các vị thuốc.
5. Lưu ý khi điều trị tăng huyết áp theo y học cổ truyền
Một số lưu ý bạn cần biết khi lựa chọn YHCT điều trị tăng huyết áp để mang lại hiệu quả tốt hơn:
- Việc sử dụng các bài thuốc YHCT điều trị tăng huyết áp cần phải dựa trên chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, không tự ý áp dụng bất kỳ bài thuốc nào nếu chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
- Những nguyên liệu trong các bài thuốc YHCT hầu đết là các dược liệu tự nhiên nên có dược tính thấp, hầu hết chỉ -phù hợp với người mới chớm bệnh, chưa gặp phải biến chứng tăng huyết áp.
- Do có dược tính thấp nên người bệnh cần kiên trì áp dụng trong một thời gian dài mới thấy có kết quả.
- Tuỳ thuộc vào cơ địa từng người thì hiệu quả không đồng đều.
- Chỉ mua dược liệu sắc thuốc ở các cơ sở uy tín, chất lượng để luôn đảm bảo chất lượng của dược liệu sử dụng trong quá trình điều trị.
- Sắc thuốc theo nguyên tắc đúng loại, đúng liều lượng, và đúng thời gian để đảm bảo thuốc có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.
- Khi sử dụng các bài thuốc YHCT nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra, hãy ngưng thuốc ngay lập tức và báo với bác sĩ để được xử trí đúng cách và kịp thời.
- Để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên kết hợp sử dụng thêm một số loại thuốc tây y đặc trị được bác sĩ kê đơn.
- Các bài thuốc YHCT chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nên tuyệt đối không tự ý sử dụng thay thế cho các thuốc đặc trị mà bác sĩ đưa ra.
- Ngoài ra, xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, tạo lối sống lành mạnh cùng luyện tập thể chất thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe, giảm thiệu các triệu chứng tăng huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng tim mạch.
☛ Tham khảo thêm tại: Hé lộ cách chữa cao huyết áp hiệu quả!
Kết luận: Như vậy, thông qua bài viết ta cũng biết được tên gọi khác của bệnh tăng huyết áp trong YHCT là “huyền vững, đầu thống”. Các bài thuốc YHCT trị tăng huyết áp cần được gia giảm phù hợp, đồng thời kiên trì sử dụng để thấy được kết quả. Bên ạnh đó, người bệnh cần kết hợp một chế độ ăn uống khoa học cùng luyện tập đều đặn giúp nâng cao sức khỏe. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 18001190 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.