Việc tuân thủ thời gian uống thuốc đúng cách không chỉ giúp kiểm soát tốt đường huyết mà còn giảm thiểu những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc tiểu đường lại có cách sử dụng khác nhau, làm cho nhiều người bệnh dễ nhầm lẫn không biết nên uống trước hay sau ăn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thời điểm uống thuốc phù hợp, nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình điều trị tiểu đường.
Mục lục
Vì sao cần uống thuốc tiểu đường đúng thời điểm?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, việc sử dụng thuốc đúng thời điểm đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kiểm soát đường huyết mà còn giúp giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Uống thuốc đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh bởi các lý do sau:
- Tối ưu hóa hiệu quả của thuốc: Một số loại thuốc tiểu đường cần được uống vào thời điểm cụ thể trong ngày để đạt hiệu quả tối đa. Ví dụ, một số thuốc cần uống trước bữa ăn để giúp kiểm soát lượng đường huyết sau khi ăn, trong khi các thuốc khác có thể cần uống sau bữa ăn để giảm tác dụng phụ lên dạ dày.
- Duy trì mức đường huyết ổn định: Uống thuốc đúng thời điểm giúp duy trì mức đường huyết ổn định suốt cả ngày. Điều này ngăn ngừa sự dao động lớn về đường huyết, giúp tránh các tình trạng như hạ đường huyết (đường huyết quá thấp) hoặc tăng đường huyết (đường huyết quá cao).
- Giảm nguy cơ tác dụng phụ: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ nếu không được uống đúng cách, đúng thời điểm. Ví dụ, thuốc metformin có thể gây kích ứng dạ dày nếu uống lúc đói, do đó thường nên uống sau bữa ăn.
- Cân bằng các loại thuốc khác: Nếu người bệnh đang dùng nhiều loại thuốc, việc uống đúng thời điểm giúp tránh tương tác thuốc không mong muốn và đảm bảo rằng mỗi loại thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
Do đó, uống thuốc tiểu đường đúng thời điểm theo chỉ dẫn của bác sĩ là một phần rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả. Tuân thủ đúng chỉ dẫn về thời gian uống thuốc là yếu tố quyết định để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân tiểu đường.
☛ Tham khảo thêm tại: Tổng hợp các loại thuốc chữa tiểu đường hiệu quả
Thuốc tiểu đường uống trước hay sau ăn?
Sử dụng thuốc tiểu đường là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhằm kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện sức khỏe tổng quát của người bệnh. Bác sĩ điều trị luôn khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng và thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân thường hay quên, không nhớ loại thuốc tiểu đường uống trước hay sau bữa ăn. Việc uống thuốc lộn xộn khiến hiệu quả điều trị bị ảnh hưởng.
Vậy nên uống thuốc tiểu đường trước hay sau ăn để mang lại hiệu quả tốt nhất? Xoay quanh câu hỏi này, các chuyên gia giải đáp như sau:
Hiện nay có nhiều nhóm thuốc dùng điều trị tiểu đường như nhóm Sulfonylureas, nhóm metformin, nhóm Thiazolidinediones, Acarbose, nhóm ức chế DPP-4, nhóm thuốc ức chế đồng vận chuyển Glucose – Natri ở thận… Tùy thuộc vào đặc điểm của thuốc mà thời gian uống thuốc cũng như cơ chế tác dụng của từng loại sẽ không giống nhau.
Một số loại thuốc có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số thuốc nếu uống vào thời điểm khác nhau thì hiệu quả cũng sẽ thay đổi, thậm chí xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ, uống xa bữa ăn có thể gây buồn nôn, nếu uống vào cùng bữa ăn sẽ giảm hiện tượng kích ứng dạ dày.
☛ Tham khảo thêm tại: Uống thuốc tiểu đường quá liều có ảnh hưởng gì không?
Thời điểm uống từng loại thuốc tiểu đường
Việc sử dụng thuốc tiểu đường đúng cách là yếu tố then chốt trong việc kiểm soát đường huyết. Mỗi loại thuốc tiểu đường đều có cơ chế hoạt động khác nhau, vì vậy thời điểm uống thuốc cũng khác biệt. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến và hướng dẫn cách sử dụng giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị.
1. Nhóm Sulfonylurea
Nhóm thuốc Sulfonylureas bao gồm các thuốc như Acetohexamide, Glimepiride, Chlorpropamide, Gliclazide,Glyburide, Glipizide… Đây là nhóm thuốc được sử dụng từ khá lâu để trị bệnh tiểu đường.
Sulfonylurea có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin để hạ đường huyết, ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu. Các sản phẩm của nhóm thuốc này cũng khác nhau, có thể ở dạng đơn chất hoặc phối hợp với metformin. Việc dùng thuốc trước bữa ăn giúp cơ thể sản xuất insulin kịp thời để xử lý lượng glucose tăng lên sau khi ăn. Uống thuốc trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ là cách tốt nhất để đảm bảo insulin có mặt đúng thời điểm, giúp ổn định đường huyết và giảm nguy cơ tăng đường huyết sau ăn.
Riêng đối với dạng Diamicron MR (loại phóng thích kéo dài) chỉ được uống 1 lần duy nhất trước ăn sáng, không chia thành nhiều lần trong ngày.
2. Nhóm Metformin
Metformin là một trong những loại thuốc phổ biến nhất cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Thuốc này hoạt động bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan và cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh đường huyết. Thuốc được uống cùng với bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn. Khi uống sau bữa ăn, Metformin còn giúp giảm các tác dụng phụ như đau dạ dày hay buồn nôn, đồng thời làm chậm quá trình hấp thu thuốc để tránh tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.
Ngoài ra, số lần uống trong ngày thay đổi từ 1 – 3 lần tùy theo từng dạng bào chế. Dạng viên nén thường giải phóng chậm nên thường chỉ uống 1 liều trong ngày, dùng sau ăn ở bất kỳ bữa ăn nào, ưu tiên dùng sau bữa tối.
3. Nhóm Thiazolidine
Nhóm thuốc này gồm các loại như Pioglitazone (Actos), Rosiglitazone (Avandia). Thuốc có tác dụng hạ đường huyết nhờ tác động lên tế bào gan, tế bào mô mỡ làm cho các tế bào tăng nhạy cảm insulin và giúp hạ đường huyết. Loại thuốc này có thể uống trước hoặc sau ăn đều được, không bị phụ thuộc vào bữa ăn.
4. Nhóm thuốc Acarbose
Thuốc có tác dụng hạ đường huyết sau ăn nhờ làm chậm hấp thu carbohydrate từ đường ruột vào máu. Thuốc nên uống vào đầu mỗi bữa ăn. Để hạn chế các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của thuốc, nên bắt đầu với liều lượng thấp và tăng dần liều.
5. Nhóm ức chế DPP – 4 (sitagliptin, vildagliptin)
Thuốc loại này là sitagliptin phosphate (Januvia). Thuốc có tác dụng hạ đường huyết nhờ tăng tiết insulin và giảm glucagon. Các thuốc này ít gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Bệnh nhân có thể uống trước hoặc sau ăn đều được.
6. Nhóm thuốc ức chế đồng vận chuyển Glucose – Natri ở thận
Gồm (Dapagliflozin: Forxiga, Empagliflozin: Jardiance). Thuốc hạ đường huyết nhờ cơ chế thải glucose qua nước tiểu, giúp giảm cân, hạ đường huyết. Uống thuốc vào buổi sáng trước khi ăn, uống nhiều nước trong ngày.
Lưu ý khác khi dùng thuốc tiểu đường
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc tiểu đường, về cách dùng và liều lượng cũng sẽ khác nhau. Tùy từng loại thuốc mà bác sĩ sẽ tư vấn bạn về thời điểm uống trước hay sau ăn cho phù hợp. Ngoài ra, để tăng hiệu quả của thuốc điều trị bạn nên chú ý một số điểm sau đây:
- Trong quá trình điều trị tiểu đường, cần dùng thuốc thường xuyên. Không bỏ lỡ liều nào để đảm bảo đường huyết ổn định, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm của bệnh.
- Trường hợp quên uống thuốc, không tự ý uống bù vào liều tiếp theo. Điều này rất nguy hiểm, có thể gây hạ đường huyết do quá liều. Nên dùng thuốc cố định vào thời điểm nhất định trong ngày, tuân thủ điều trị để mang lại hiệu quả.
- Một số người bệnh uống thuốc quá xa bữa ăn có thể khiến mức đường huyết hạ xuống thấp. Do đó, hãy mang theo bên mình một loại đồ ăn nào đó tiện lợi, dự phòng trường hợp bị hạ đường huyết bất ngờ.
- Các thuốc dùng trong trị tiểu đường có thể gây ra các tác dụng phụ khác như triệu chứng liên quan tới rối loạn tiêu hóa (chướng bụng, tiêu chảy…), hiếm hơn là biểu hiện của dị ứng thuốc. Khi xuất hiện những tác dụng phụ bất thường này, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.
- Khi đang điều trị tiểu đường, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà đến gặp bác sĩ để thăm khám và chỉ định thuốc hợp lý. Nhiều người sử dụng đơn cũ để mua thuốc mà không tái khám, điều này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn vì bệnh thay đổi theo từng giai đoạn.
- Khi đang ốm hoặc gặp các vấn đề tâm lý… lượng đường trong máu sẽ cao hơn so với bình thường. Vì thế, ngay cả khi không muốn ăn, bạn vẫn nên dùng thuốc điều trị để giữ lượng đường huyết ổn định.
- Nếu đã dùng thuốc tiểu đường mà lượng đường trong máu vẫn tăng cao thì cần thông báo sớm với bác sĩ để được điều chỉnh lượng thuốc hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác phù hợp.
- Bệnh nhân cần kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh nhằm hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt hơn.
☛ Tham khảo thêm tại: Bệnh nhân tiểu đường nên ăn gì kiêng gì?