Đối với bệnh nhân cao huyết áp việc dùng thuốc là phương pháp điều trị bắt buộc. Do đó, việc lắm rõ công dụng cũng như các tác dung không mong muốn là điều vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị. Để biết được đâu là loại thuốc tốt nhất cho quá trình điều trị, mọi người hãy cùng nhau theo dõi bài viết dưới đây nhé!
☛ Tìm hiểu trước: Bệnh cao huyết áp!
Mục lục
Các loại thuốc điều trị cao huyết áp hiện nay
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu là loại thuốc có cơ chế tăng đào thải muối và nước ở thận ra ngoài giúp hạ huyết áp. Trong cơ thể người bị huyết áp cao thường chứa một lượng lớn muối và nước. Chính điều này là nguyên nhân khiến thành động mạch chịu nhiều áp lực gây ra tình trạng cao huyết áp.
Khi sử dụng thuốc lợi tiểu huyết áp sẽ giảm xuống và dần dần trở về mức ổn định. Nhóm thuốc này có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hạ áp khác. Hiện nay thuốc lợi tiểu được chia làm 3 nhóm chính là lợi tiểu thiazid, lợi tiểu quai, lợi tiểu giữ kali, mỗi một nhóm lại có cơ chế hạ huyết áp khác nhau.
Lợi tiểu Thiazid
Cơ chế hạ huyết áp của nhóm thuốc thiazid là đào thải natri bằng cách ức chế tái hấp thu natri ở ống thận. Nhóm thuốc này có thể gây ra tình trạng giảm kali máu, giảm dung nạp glucose. Trong nhóm thuốc thiazid được sử dụng nhiều trong việc điều trị cao huyết áp phải kể đến Hydrochlorothiazide.
Tác dụng Hydrochlorothiazide
- Hạ huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về thân.
- Giảm bớt các triệu chứng khó thở hoặc sưng ở mắt cá chân và bàn chân.
Tác dụng phụ Hydrochlorothiazide
- Đau mắt, khô mắt, mắt nhìn mờ.
- Khát nước, có cảm giác tê bì chân tay, chán ăn, đầy bụng…
- Có thể bị đau đầu, cơ thể mệt mỏi, hoặc gặp tình trạng hoa mắt và chóng mặt.
- Tăng acid uric huyết, giảm kali huyết, tăng glucose huyết, tăng lipid huyết.
- Tụt huyết áp tư thế hoặc bị loạn nhịp tim.
- Buồn nôn hoặc nôn, rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, co thắt ruột…)
- Cảm giác tê tay, yếu cơ.
Chống chỉ định Hydrochlorothiazide
- Những người mẫn cảm thuốc thiazid thì không nên sử dụng nhé.
- Người mắc bệnh gút, tăng acid uric huyết, chứng vô niệu, bệnh Addison, chứng tăng calci huyết, suy gan và thận nặng.
Lợi tiểu quai
Nhóm thuốc lợi tiểu quai có tác dụng hạ huyết áp không tốt bằng nhóm lợi tiểu thiazid và không có vai trò nhiều trong điều trị tăng huyết áp trừ trường hợp tăng huyết áp kèm theo suy tim hoặc suy thận. Cơ chế chung của nhóm này là tăng đào thải Natri và nước qua thận bằng cách ức chế sự tái hấp thu ion Natri tại ống thận.
Furosemid là hoạt chất nổi bật của nhóm thuốc lợi tiểu quai được sử dụng để điều trị huyết áp cao.
Cơ chế hoạt động của Furosemid
- Làm tăng thải trừ Na+, K+, Cl- kéo theo nước nên có tác dụng lợi tiểu. Đồng thời Furosemid có tác dụng tăng đào thải Ca2+, Mg2+ làm giảm Ca và Mg máu.
- Làm giãn mạch thận, tăng lưu lượng máu qua thận phân phối lại máu có lợi cho vùng sâu ở vỏ thận, tăng độ lọc cầu thận, giãn tĩnh mạch nên làm giảm ứ máu ở phổi, giảm áp suất thất trái.
Chỉ định Furosemid
- Phù phổi cấp
- Phù do tim, gan, thận
- Tăng huyết áp khi có tổn thương thận
- Tăng calci huyết
Chống chỉ định Furosemid
- Với những người bị dị ứng với furosemid và với các dẫn chất sulfon- amid thì không nên dùng.
- Tiền hôn mê gan, hôn mê gan.
- Những người bị bệnh vô niệu hoặc suy thận không nên dùng thuốc này.
Tác dụng không mong muốn Furosemid
- Trong trường hợp uống liều cao có thể giảm thể tích máu.
- Hạ huyết áp thế đứng.
- Giảm lượng bạch cầu, tiểu cầu và bạch cầu hạt.
- Ban da, viêm mạch, dị cảm.
- U tai, giảm thính lực có hồi phục
Lợi tiểu giữ kali
Nhóm thuốc này có 2 vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp:
- Để tặng hiệu quả điều trị bác sĩ có thể phối hợp với các thuốc thuộc nhóm thiazid
- Đóng vai trò quan trọng trong việc hạ huyết áp cho bệnh nhân bị cường aldosteron. Thuốc có công thức tương tự aldosteron nên tranh chấp với aldosteron tại receptor ở ống lượn xa làm tăng thải Na+ gây lợi tiểu, hạ huyết áp.
Nổi bật trong nhóm thuốc này là Spironolacton – chất đối kháng mineralocorticoid. Có tác dụng là tăng bài tiết natri và nước ở ống lượn xa.
Chỉ định
- Cổ trướng do xơ gan.
- Sử dụng cho trường hợp bị phù gan, phù thận, phù tim khi các thuốc chữa phù khác kém tác dụng.
- Khi sử dụng các cách khác mà huyết áp không giảm có thể sử dụng Spironolacton.
- Bệnh nhân không thể phẫu thuật khi aldosteron tiên phát tăng cao.
Chống chỉ định
- Suy thận cấp, suy thận nặng
- Vô niệu
- Tăng kali huyết
- Mẫn cảm với spironolacton.
Tác dụng phụ
- Tác dụng phụ
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Liệt dương
- Buồn ngủ
- Tăng prolactin, to vú đàn ông
- Ỉa chảy, buồn nôn.
Thuốc chẹn Beta giao cảm
Thuốc chẹn beta giao cảm như propranolol, atenolon, pindolol,… có tác dụng ức chế cạnh tranh với các catecholamin ở thụ thể beta gây tác dụng như:
- Trên tim: Giúp hạ huyết áp; giảm nhịp tim, sức co bóp cơ tim và cung lượng tim.
- Trên thận: làm giảm tiết renin gây hạ huyết áp.
Nhóm thuốc này được đánh giá ít hiệu quả trong phòng đột quỵ, đây là lý do làm giảm ưu thế trong lựa chọn điều trị tăng huyết. Tuy vậy, thuốc vẫn được chỉ định đối với bệnh nhân có kèm theo đau thắt ngực, sau nhồi máu cơ tim, suy tim, nhịp nhanh,…
Các tác dụng không mong muốn chính là ngủ gà, đau cơ chân khi vận động, rối loạn cương dương, ác mộng và làm tăng nặng bệnh mạch máu ngoại vi cũng như hội chứng raynaud. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn làm tăng nguy cơ co thắt phế quản nên các bệnh nhân có tiền sử hen phế quản không nên dùng loại thuốc này.
Hơn thế nữa, nhóm thuốc này này cũng gây bất lợi trên chuyển hóa như làm suy giảm kiểm soát glucose, tăng nguy cơ tiến triển đái tháo đường, gây rối loạn chuyển hóa lipid.
Thuốc ức chế men chuyển ACE
Các thuốc nhóm này được đặt tên là thuốc ức chế men chuyển do cơ chế tác dụng của thuốc là gắn vào ion kẽm của men chuyển angiotensin I dẫn đến làm giảm tốc độ chuyển angiotensin I thành angiotensin II – đây là một chất có tác dụng co mạch mạnh. Do đó thuốc ức chế men chuyển có tác dụng giãn mạch, làm giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp.
Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn làm giảm sự phân hủy bradykinin hệ thống kallikrein-kinin, đồng thời làm tăng prostaglandin, giúp giảm sức cản ngoại vi dẫn đến hạ huyết áp.
Các thuốc ức chế men chuyển còn thể hiện một số đặc tính khá ưu việt trên lâm sàng như không gây bất lợi trên chuyển hóa đường và chuyển hóa lipid, không ảnh hưởng đến nồng độ acid uric máu và nước tiểu, do đó thuốc có thể sử dụng được cho các bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường, rối loạn lipid huyết, tăng acid uric…
Từ khi tìm ra thuốc ức chế men chuyển đầu tiên là captopril (năm 1977), cho đến nay đã có khoảng 15 loại thuốc khác nhác nhau. Các thuốc này đều có tác dụng hạ huyết áp gần như tương đương.
Nhìn chung, các thuốc ức chế men chuyển được dung nạp tốt trên phần lớn bệnh nhân, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số tác dụng không mong muốn như:
- Ho: Tình trạng ho kéo dài với tỷ lệ cao (10-20%) và thường hết sau khi ngừng thuốc.
- Tụt huyết áp: Các bệnh nhân chưa có biến chứng có thể bị tụt huyết áp khi sử dụng loại nhóm thuốc này. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị mất muối và nước nặng cũng có thể gặp phải tình trạng này nên mọi người nhớ chú ý nhé.
- Suy thận: Những bệnh nhân bị cao huyết áp kèm theo bệnh lý hẹp động mạch thận có thể gặp phải biến chứng suy thận.
- Tác dụng trên thai nhi: Khi phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu và cuối thai kỳ nếu dùng thuốc này có thể ảnh hưởng, thậm chí gây chết thai nhi và trẻ sơ sinh hoặc có thể gây tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khi sử dụng 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai.
- Phù mạch: Đây là phản ứng nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng.
- Tăng kali máu: Tình trạng này thường gặp trên bệnh nhân suy thận hoặc đái tháo đường, bệnh nhân đang sử dụng các thuốc làm tăng nồng độ kali huyết thanh (thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, bổ sung kali,..)
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin
losartan, valsartan là những thuốc được sử dụng nhiều trong nhóm này. Cơ chế chính của nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin là ngăn chặn sự gắn angiotensin II vào thụ thể AT1 ở các mô cơ trơn của mạch máu và tuyến thượng thận nên làm giãn mạch và giảm tiết aldosteron.
Khi sử dụng nhóm thuốc này có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như: ho khan, tụt huyết áp, suy thận, phù mạch, tăng kali máu….
Thuốc chẹn kênh canxi
Cơ chế của nhóm thuốc chẹn kênh canxi là ức chế ion Ca2+ thâm nhập vào tế bào cơ tim và cơ trơn thành mạch. Từ đó, dẫn đến tình trạng giãn mạch, làm giảm sức cản ngoại vi và hạ huyết áp. Đồng thời, thuốc cũng làm chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, hạ huyết áp và làm giảm dẫn truyền nhĩ thất.
Dùng lâu dài thuốc chẹn kênh canxi không gây rối loạn lipid cũng như ảnh hưởng đến đường máu. Gần đây người ta còn nhắc đến một số lợi điểm như chống xơ vữa động mạch, giảm phì đại thất tái, cải thiện chuyển hóa cholesteron… khiến cho nhóm thuốc này ngày càng được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Các thuốc chẹn kênh canxi được chia thành 2 phân nhóm chính, với các đặc tính dược lực học khác nhau và áp dụng điều trị khác nhau:
Phân nhóm dihydropyridin (DHP)
Nfedipin và amlodipin là 2 loại thuốc thường được sử dụng nhiều trong việc điều trị cao huyết áp. Nhóm thuốc này có tác dụng trên mạch nhiều hơn trên tim. Nhóm dihydropyridin được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp nhờ cơ chế giãn mạch máu làm giảm sức cản ngoại vi, từ đó làm hạ huyết áp mà ít làm giảm co bóp cơ tim cũng như làm chậm nhịp tim.
Tác dụng không mong muốn của của thuốc chẹn kênh canxi phân nhóm DHP là phù ngoại vi, chủ yếu là do dịch thấm từ khoang mạch vào mô liên quan đến giãn tiểu động mạch tiền mao mạch. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây chứng đỏ bừng và tăng sản lợi.
Phân nhóm non – dihydropyridin (NDHP)
Đại diện của nhóm này là verapamil và diltiazem. Các thuốc phân nhóm này có tác dụng chủ yếu trên tim hơn là mạch máu. Thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim nên thường sử dụng cho các bệnh nhân có nhịp tim nhanh. Đồng thời thuốc có tác dụng giãn mạch vành nên được sử trong các trường hợp đau thắt ngực. Thuốc phân nhóm NDHP ít gây phù ngoại vi nhưng lại thường làm giảm co bóp cơ tim, chậm nhịp, do đó không nên dùng trong các trường hợp bệnh nhân có rối loạn chức năng thất trái và phải hết sức thận trọng khi phối hợp với các thuốc chẹn beta.
☛ Thông tin dành riêng cho bạn: Huyết áp cao bao nhiêu phải dùng thuốc điều trị?
Lựa chọn thuốc trị cao huyết áp tốt nhất!
Những nhóm thuốc được liệt kê ở phía trên là các nhóm chính được sử dụng nhiều trong quá trình điều trị cao huyết áp. Mỗi một nhóm thuốc sẽ có một cơ chế tác dụng riêng nhưng vai trò điều trị huyết áp là tương tự nhau. Vì thế, khi có kết quả thăm khám bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của bạn để lựa chọn việc sử dụng đơn độc hoặc kết hợp các loại thuốc vào với nhau.
.- Lựa chọn 1: Những trường hợp cao huyết áp mà chưa có biến chứng có thể sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm lợi tiểu hoặc chẹn beta giao cảm.
- Lựa chọn 2: Đối với những người bị huyết áp cao kèm theo các bệnh lý khác sẽ sử dụng các loại thuốc bắt buộc như:
- Bệnh nhân tiểu đường type 2 có protein niệu sẽ sử dụng nhóm thuốc ức chế men chuyển.
- Bệnh nhân suy tim sẽ dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu.
- Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc sẽ ưu tiên sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm lợi tiểu, thuốc thuộc phân nhóm dihydropyridin của chẹn kênh canxi.
- Lựa chọn 3: Tất cả 5 nhóm thuốc ở trên điều ưu tiên sử dụng loại thuốc có tác dụng kéo dài ở liều thấp và chỉ cần dùng 1 lần/1ngày. Nếu sử dụng đơn độc mà không thấy tác dụng mấy hoặc xuất hiệu nhiều tác dụng không mong muốn tốt nhất là thay thế một loại thuốc khác.
Sử dụng thuốc trị cao huyết áp đúng cách để đạt hiệu quả!
Để quá trình sử dụng thuốc đạt được hiệu quả cao nhất cũng như việc hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, bạn nên tuân thủ một số hướng dấn sau.
- Kiểm tra thông tin cơ bản của thuốc như: tên, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… trước khi sử dụng.
- Cần tuân thủ tuyệt đối khoảng cách giữa các lần sử dụng thuốc.
- Trường hợp thuốc dùng 1 lần/1 ngày cần uống vào 1 giờ cố định. Còn trường hợp dùng 2 lần/1 ngày thì lần 1 uống vào lúc 8 giờ sáng, lần 2 uống vào lúc 8 giờ tối.
- Nên uống liên tục và đều đặn mỗi ngày, đặt biệt là không tự ý ngừng thuốc khi chưa có sự đồng ký của bác sĩ.
- Không được tự ý tăng liều, giảm liều hoặc sử dụng đơn thuốc của bệnh nhận khác.
- Không được nghiền nát thuốc để uống, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Không sử dụng thuốc đã quá thời hạn sử dụng.
☛ Chi tiết hơn trong bài: Hướng dẫn dùng thuốc trị cao huyết áp đúng cách
Tự ý mua thuốc hạ áp về uống – Lợi bất cập hại
Lời kết
Hy vọng qua những thông tin chia sẻ ở trên mọi người đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc tìm hiểu thuốc điều trị cao huyết áp. Tuy nhiên, mỗi một cá thể sẽ có phản ứng khác nhau đối với từng loại thuốc. Do đó, chúng ta không thể khẳng định loại này dùng tốt hay loại kia dùng không tốt. Đặc biệt, các bạn cũng không nên tự ý mua thuốc hạ áp về sử dụng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ nhé!
Nguồn tham khảo
https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-pressure-hypertension/treatment/
https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension-medication#arbs
https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/changes-you-can-make-to-manage-high-blood-pressure/types-of-blood-pressure-medications