Nho là một loại trái cây ngon và bổ dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là cho người tiểu đường. Nho có chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và polyphenol, có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện chức năng tế bào beta và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, nho cũng có chứa đường tự nhiên, nên người tiểu đường cần phải ăn với mức độ vừa phải và theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về nho và cách ăn nho an toàn cho người tiểu đường
☛ Xem trước: Người bị tiểu đường nên ăn gì kiêng gì?
Mục lục
Hệ dinh dưỡng có trong quả nho
Nho là một loại quả xuất hiện trong đời sống con người cách đây từ khoảng 8.000 năm về trước ở vùng Trung Đông. Phần lớn các loại nho được trồng với mục đích sản xuất rượu vang. Ngoài ra, nó còn có mặt trong bữa ăn hàng ngày của con người.
Quả nho được ưa chuộng ở hầu hết các nước trên thế giới bởi khả năng cung cấp hệ dinh dưỡng đa dạng. Cụ thể, trong một chén nho (khoảng 12 trái) có chứa:
- 104 Calo
- 27.3g Carbohydrate.
- 1.1g Protein
- 0.2g chất béo
- 1.4g chất xơ
- 27% RDI vitamin C
- 28% RDI vitamin K
- 7% RDI Vitamin B1
- 6% RDI vitamin B2
- 6% RDI vitamin B6
- 8% RDI Kali
- 10% RDI đồng
- 10% RDI Magie
Trong đó: RDI là hàm lượng khuyến nghị bổ sung hàng ngày cho cơ thể.
Ngoài ra, quả nho còn là nguồn bổ sung các chất chống oxy hóa như: lutein và zeaxanthin flavonoids myricetin, quercetin và resveratrol phytochemical giúp cơ thể trẻ và khỏe hơn.
Lợi ích của quả nho với sức khỏe con người
- Ngăn ngừa ung thư: Hoạt chất chống oxy hóa Resveratrol trong quả nho được chứng minh là có khả năng chống viêm và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nghiên cứu trên 30 người có độ tuổi từ 50 trở lên cho thấy, khẩu phần ăn có 450g nho mỗi ngày làm giảm hản dấu hiệu nguy cơ gây ung thư đại tràng.
- Bảo vệ tim: Cứ 151g nho sẽ cung cấp 288mg Kali. Đây là chất giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định và giảm nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, các hợp chất trong quả nho còn giúp giảm cholesterol máu giúp kiểm soát hiệu quả các vấn đề liên quan đến thành mạch.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Một nghiên cứu được thực hiện trên 38 nam giới cho thấy, khi họ dùng 20g chiết xuất quả nho kéo dài trong 16 tuần thì lượng đường máu giảm thấp hơn so với nhóm không dùng. Ngoài ra, hoạt chất resveratrol trong vỏ quả nho có khả năng tăng độ nhạy của insulin. Qua đó, đường máu được hấp thu tốt hơn giúp giảm đường huyết.
- Bảo vệ mắt: Chất resveratrol có tác dụng bảo vệ tế bào võng mạc dưới tác động của tia cực tím. Ngoài ra, hoạt chất zeaxanthin cũng giúp hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh đến đôi mắt của bạn.
- Tốt cho não: Một thí nghiệm trên chuột cho thấy, việc sử dụng chiết xuất từ quả nho giúp não phát triển và tăng cường tuần hoàn máu đến não.
- Tăng sức đề kháng: Hàm lượng vitamin C dồi dào trong quả nho giúp cơ thể chống lại sự tấn công của một số vi khuẩn và virus có hại như: cảm cúm, herpes, thủy đậu, E.coli,…
- Tốt cho xương: Rất nhiều chất tốt cho xương được tìm thấy trong quả nho như: Canxi, phốt pho, magie, kali, mangan và vitamin K. Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột cũng phát hiện ra resveratrol giúp cải thiện mật độ xương hiệu quả.
Có thể thấy, quả nho đem lại rất nhiều lợi ích tốt cho cơ thể. Một trong số đó là cải thiện nồng độ đường huyết. Vậy nhưng, tại sao người ta vẫn băn khoăn về việc tiểu đường có ăn nho được không? Lý do là vì hàm lượng đường dễ hấp thu trong nho tương đối cao. Cứ 100g nho sẽ cung cấp khoảng 10 -12g đường cho cơ thể và điều này khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy lưỡng lự. Nội dung kế tiếp sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Vậy, người tiểu đường ăn nho được không?
Trước đây, bệnh nhân tiểu đường được khuyến cáo nên cắt bỏ trái cây khỏi khẩu phần của mình. Theo quan điểm hiện đại, khi các nhóm dưỡng chất trong mỗi bữa ăn được kiểm soát chặt chẽ thì người bệnh hoàn toàn có thể ăn hoa quả, bao gồm cả quả nho.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội tiểu đường hoa kỳ, lượng Carbohydrate cho bệnh nhân tiểu đường mỗi bữa chỉ nên dao động trong khoảng 45 – 60g. Vậy nên, nếu bạn chọn ăn nho, hãy giảm lượng đường ở những món ăn khác.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến chỉ số GI (Glycemic Index) của các loại nho khác nhau. Theo đó, nho Mỹ có chỉ GI là 43, nho Ý có GI cao hơn là 49 và nho Úc có chỉ số GI là 59. Người tiểu đường nên lựa chọn những loại nho có chỉ số GI thấp, như vậy, khi vào cơ thể, đường huyết của bạn sẽ không bị tăng nhanh đột ngột.
Một lưu ý khác khi ăn nho là dạng chế biến bao gồm: nho tươi và nho khô. Sau khi chế biến, lượng nước giảm đi nên hàm lượng đường trong quả nho sẽ thay đổi.
Thông thường, chỉ số GI của nho khô dao động từ 64 ± 1. Đây là mức chỉ số đường huyết cao nên người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ lượng sử dụng để không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Nếu muốn ăn nho, bạn nên chọn loại nho tươi. Mỗi lần, bạn không nên ăn quá 10 quả và chỉ nên ăn khoảng 2 lần/ tuần.
Như vậy, người tiểu đường hoàn toàn có thể ăn nho. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ về từng loại nho, hàm lượng và dạng chế biến phù hợp để tránh gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của mình.
Gợi ý top 7 trái cây tốt cho người tiểu đường
Trên thực tế, không phải ai cũng có thể tự mình tính toán mức năng lượng và theo dõi đường huyết của từng loại thực phẩm. Vậy nên, đa số bệnh nhân vẫn cảm thấy dè dặt khi sử dụng quả nho.
Để người bệnh dễ dàng lựa chọn được hoa quả phù hợp với mình, chúng tôi giới thiệu đến bạn những loại quả tốt mà người bệnh tiểu đường nên sử dụng.
Quả bưởi
Các phân tích cho thấy, quả bưởi có 91% là nước, giàu vitamin C, giàu chất xơ và chỉ số GI là 25. Ngoài ra, quả bưởi già còn chứa hàm lượng lớn chất naringenin có khả năng kích thích độ nhạy của insulin. Đây là lý do khiến bưởi trở thành loại quả được ưu ái trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường.
Tuy nhiên, người bệnh cũng cần kiểm soát lượng bưởi ăn mỗi ngày. Một nửa quả được cho là lượng bưởi hợp lý mà bạn có thể sử dụng.
Quả dâu tây
Quả dâu tây từ lâu đã nổi tiếng với thành phần chống oxy hóa, vitamin và chất xơ. Những thành phần này giúp cho đường từ thức ăn hấp thu vào máu một cách từ từ. Nhờ đó đường huyết được kiểm soát hiệu quả.
Một ưu điểm khác của quả dâu tây là mức GI thấp, chỉ đạt 41 và chứa ít carbohydrate. Mỗi ngày, bạn nên ăn khoảng 1 cốc dâu tây nguyên quả sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe.
Quả cherry
Loại quả tiếp theo được khuyến cáo cho bệnh nhân tiểu đường là quả Cherry. Chỉ số GI của quả cherry chỉ ở mức 22. Đây là mức đường huyết lý tưởng với bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, quả cherry rất giàu vitamin C, vitamin A, vitamin B9, chất chống oxy hóa và các vi chất dinh dưỡng quan trọng như: sắt, kali, magie. Cherry cũng được khuyến cáo là tốt cho tiêu hóa bởi hàm lượng chất xơ dồi dào.
Một điểm đặc biệt hơn từ quả cherry là thành phần anthocyanin giúp kích thích bài tiết insulin. Bạn nên ăn khoảng 1 cốc cherry tươi mỗi ngày để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Quả lê
Lê là loại quả có hàm lượng nước cao chiếm đến 84% trên tổng trọng lượng. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin và chất xơ dồi dào trong quả lê giúp đường huyết được kiểm soát tốt hơn.
Một trong những tác động cực kỳ quan trọng của quả lê đến bệnh nhân tiểu đường là tăng độ nhạy của insulin. Điều này đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, đặc biệt là những người bị tiểu đường type 2. Chỉ số GI của quả lê cũng chỉ đạt mức 38. Điều này giúp người bệnh có thể hoàn toàn an tâm khi ăn khoảng 1 quả lê mỗi ngày.
Quả bơ
Chỉ số đường huyết của quả bơ thậm chí còn thấp hơn cả quả cherry khi chỉ đạt mức 15. Ở ngưỡng này, người bệnh có thể hoàn toàn an tâm khi sử dụng quả bơ như một loại rau trong các bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, trong quả bơ còn chừa các chất béo có lợi và hàm lượng kali cao. Những chất này giúp người bệnh có hệ tim mạch khỏe mạnh hơn, ngăn chặn nguy cơ mắc phải các biến chứng tim mạch do tiểu đường gây ra.
Quả trâm
Đây là loại quả mà không phải ai cũng biết đến. Quả trâm thường mọc chủ yếu ở các vùng núi và nông thôn. Mức chỉ số đường huyết của quả này chỉ là 25 nên được nhiều chuyên gia khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường.
Hiện nay, quả trâm đã hiếm hơn trước rất nhiều, bạn có thể tìm mua tại các siêu thị hoặc cửa hàng lớn. Vì từng được sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường nên quả trâm có thể dùng tươi hoặc tán thành bột cũng đều cho hiệu quả rất tốt.
Quả lựu
Nhiều nghiên cứu phát hiện ra, quả lựu có khả năng điều hòa đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Hơn nữa, chỉ số GI của quả lựu chỉ đạt mức 18. Đây là mức chỉ số đường huyết cực an toàn cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, trong quả lựu cũng chứa hàm lượng lớn chất xơ, chất chống oxy hóa. Những thành phần này rất tốt cho hệ thống tiêu hóa và tim mạch của người bệnh. Vậy nên, bạn có thể an tâm sử dụng quả lựu mỗi ngày.
☛ Xem thêm gợi ý trong bài viết: Hoa quả dành cho người tiểu đường
Lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường khi ăn trái cây
Cách sử dụng trái cây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết sau khi ăn. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ cho bệnh nhân tiểu đường khi ăn trái cây:
- Nên đan xen nhiều loại trái cây: Điều này giúp bạn được bổ sung đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng đồng thời tránh hiện tượng chán ăn
- Nên ăn trái cây tươi: Những loại trái cây khô trải qua quá trình sấy bị mất nước và biến đổi một số thành phần. Điều này làm giảm đi những lợi ích mà trái cây tươi đem đến cho bạn.
- Ăn trái cây vào bữa phụ: Điều này giúp bạn kiểm soát đường huyết sau mỗi bữa ăn tốt hơn
- Ăn trực tiếp: Bạn không nên ép hoặc xay sinh tốt trái cây, thay vào đó, hãy ăn trực tiếp để giảm tốc độ hấp thu đường từ trái cây vào cơ thể.
- Theo dõi đường huyết: Sau khi ăn loại trái cây mới, bạn nên đo đường tại nhà để biết đường huyết có bị tăng cao hay không sau đó điều chỉnh cho phù hợp.
Lời kết
Trên đây là những thông tin để bạn tham khảo về cách sử dụng trái cây khi bị tiểu đường. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ lựa chọn được trái cây phù hợp và không còn lo lắng về vấn đề tiểu đường ăn nho được không. Mọi thắc mắc về vấn đề dinh dưỡng cho người tiểu đường, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ với bác sĩ để nhận lời khuyên tốt nhất.
Nguồn tham khảo
https://food.ndtv.com/health/10-diabetic-friendly-fruits-to-help-you-manage-diabetes-better-1269733