Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mạn tính khá phổ biến hiện nay. Nhiều người thắc mắc rằng: Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn đọc theo dõi các thông tin sẽ có trong bài viết sau đây.
Mục lục
Hiểu trước, bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường còn có tên gọi khác là đái tháo đường – nhóm các bệnh lý chuyển hóa thể hiện bởi sự tăng lượng đường trong máu do sự thiếu hụt hoặc đề kháng với Insulin.
Đây là căn bệnh phổ biến trên toàn cầu với 415 triệu người mắc trong độ tuổi 20-79, tính ra thì cứ 11 người lớn lại có 1 người sống chung với bệnh tiểu đường (số liệu năm 2015). Dự kiến tới năm 2040, số người trong độ tuổi 20-79 mắc bệnh đạt tới 642 triệu. Điều đáng nói là bệnh tiểu đường không chỉ gia tăng về số lượng người bệnh mà ngày càng trẻ hóa.
Đi cùng số ca mắc lớn thì tỷ lệ tử vong do đái tháo đường gây ra cũng rất cao, chỉ đứng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Bệnh diễn biến âm thầm, khi biểu hiện ra bên ngoài thì đã tới giai đoạn nặng, xuất hiện các biến chứng.
☛ Chi tiết hơn trong bài: Hiểu đúng và đủ về tiểu đường!
Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Theo thống kê các năm gần đây của IDF (Liên đoàn tiểu đường thế giới) cho biết, trung bình có khoảng 3,2 triệu người chết vì biến chứng của bệnh tiểu đường mỗi năm.
Cứ mỗi ngày trôi qua, thế giới lại ghi nhận khoảng 3.600 ca mắc bệnh, khoảng 580 ca tử vong, 225 ca đoạn chi, 125 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, 50 người mù lòa do tiểu đường gây ra.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường có thể bắt nguồn từ nhiều phía như thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt, do di truyền,… Kết quả là cơ thể kém sản xuất và sử dụng insulin dẫn đến đường huyết tăng cao.
Chính vì vậy, tiểu đường là bệnh mạn tính. Bệnh tiểu đường thường gây ra những biến chứng nguy hiểm trên hầu hết các cơ quan của cơ thể, nặng nhẹ tùy theo diễn biến bệnh.
Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi bị tiểu đường!
Biến chứng của bệnh tiểu đường cơ bản được chia làm 2 loại: biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
Biến chứng cấp tính xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể hôn mê và dẫn đến tử vong.
Biến chứng mạn tính diễn ra trong thời gian dài, gây một số rối loạn chức năng các cơ quan, tổn thương cơ thể một cách từ từ và lâu dài.
Biến chứng tim mạch
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Bệnh tiểu đường có khả năng gây tổn thương sớm đến tế bào nội mạc, nhanh chóng dẫn tới những rối loạn chức năng của chúng.
Tế bào nội mạc tổn thương làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua gây rối loạn lipid máu. Đồng thời, nó thúc đẩy quá trình kết dính và xuyên mạch của tế bào bạch cầu đến tế bào nội mạc. Kết quả là bệnh nhân xuất hiện mảng xơ vữa động mạch làm lòng mạch hẹp lại, máu khó lưu thông gây thiếu máu cục bộ ở một số bộ phận.
Ngoài ra, tế bào nội mạc tổn thương còn dẫn đến sự hình thành các cục huyết khối do sự kết dính của bạch cầu, tiểu cầu. Đây là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp tính gây biến chứng nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, nhồi máu não,… đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra thường là những cơn đau thần kinh. Lượng glucose trong máu cao làm tổn hại đến các dây thần kinh toàn cơ thể, tác động rõ rệt nhất là ở dây thần kinh chi trên và chi dưới.
Glucose tác động lên bao dây thần kinh và làm giảm tốc độ dẫn truyền xung động. Triệu chứng của biến chứng thần kinh trên người bệnh tiểu đường đôi khi còn mờ nhạt nên bệnh nhân thường chủ quan.
Các triệu chứng nhẹ thường gặp có thể kể đến như tê tay, chân, giảm phản xạ đau đặc biệt là ở bàn chân, nặng hơn là gây lở loét, biến dạng bàn chân.
Ngoài ra, biến chứng thần kinh ở người bệnh tiểu đường còn gây ra những hệ lụy trên các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, tim mạch, mắt,…
Biến chứng nhiễm trùng ở chân
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tiểu đường, hậu quả nặng nề nhất có thể dẫn đến đoạn chi. Biến chứng ở chân thường diễn ra sau khi người bệnh bị tổn thương thần kinh.
Các biểu hiện thường gặp là chai cứng chân, mất cảm giác, khô da. Nặng hơn là lở loét, tuần hoàn máu đến bàn chân kém và nghiêm trọng nhất là đoạn chi.
Bệnh lý loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường rất khó hồi phục, dễ nhiễm trùng, hoại tử lan rộng.
Bởi vậy, bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt chú ý bảo vệ vùng da bàn chân, tránh gây biến chứng để lại hậu quả đáng tiếc.
Bệnh thận đái tháo đường
Bệnh tiểu đường gây biến chứng trên thận khi lượng đường huyết tăng quá cao và kéo dài gây suy giảm chức năng thận. Glucose trong máu tăng cao gây tổn thương mạch máu nhỏ trong các nephron (đơn vị chức năng của thận) làm mất chức năng lọc.
Biến chứng tiểu đường trên thận thường gặp là phù nề thận, xơ hóa cầu thận dạng nốt, xơ vữa mạch thận, hội chứng thận hư,… Hậu quả nặng nhất là mất chức năng thận hoàn toàn, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Triệu chứng của biến chứng tiểu đường trên thận là nước tiểu có bọt, xét nghiệm nước tiểu thấy có máu, albumin. Bệnh nhân phù toàn thân, thiếu máu, khó thở,…
Bệnh võng mạc mắt
Biến chứng trên mắt là một trong những hệ lụy của biến chứng thần kinh của bệnh nhân tiểu đường. Một số biến chứng về mắt thường gặp như cườm nước (glaucoma), đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc,… Trong số đó, bệnh võng mạc là biến chứng thường gặp nhất và cũng nguy hiểm nhất.
Bệnh thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi đã suy giảm thị lực, hậu quả dẫn tới mù lòa. Theo các nghiên cứu cho thấy, 90% bệnh nhân mắc tiểu đường hơn 10 năm sẽ gặp biến chứng võng mạc mắt. Trong số đó, khoảng 59% bệnh nhân có thể mù lòa.
Viêm khớp
Hơn 50% người bệnh tiểu đường gặp biến chứng viêm khớp. Nguyên nhân của biến chứng này là do bệnh nhân tiểu đường thiếu hụt insulin, vitamin D không được hoạt hóa dẫn đến khó hấp thu Canxi đồng thời tăng bài tiết Canxi ra khỏi cơ thể.
Hậu quả là làm tổn hại đến xương khớp. Người bệnh có xương giòn, loãng xương, dễ gãy, viêm và đau khớp…
Rối loạn chức năng gan
Theo các nghiên cứu cho thấy, bệnh viêm gan không do rượu hầu hết xuất phát từ nguyên nhân tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường dễ mắc các rối loạn chuyển hóa lipid trong máu, gây gan nhiễm mỡ, rối loạn chức năng gan và có thể dẫn đến xơ gan. Bệnh nhân mắc biến chứng xơ gan do tiểu đường có nguy cơ tử vong rất cao.
Hôn mê do nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Do thiếu insulin, lipid không được chuyển hóa hoàn toàn dẫn đến nồng độ acid acetic trong máu tăng cao, máu nhiễm toan. Bệnh nhân hôn mê và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton là khát nước, tiểu nhiều hơn bình thường, rát họng, đau đầu, đỏ da, đau bụng, tiêu chảy, hơi thở có mùi ceton. Xét nghiệm nước tiểu thấy có ceton trong nước tiểu.
Mất ổn định glucose máu
Tăng hay hạ glucose máu đều là các biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
Tăng glucose máu xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 khi bệnh nhân không kiểm soát đường huyết tốt.
Nguyên nhân là do bệnh nhân đưa vào cơ thể quá nhiều đường bột, uống rượu nhiều hoặc sử dụng corticoid liều cao. Triệu chứng bệnh có thể kể đến như yếu cơ, chuột rút, co giật, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong.
Hạ glucose máu thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, do bệnh nhân ăn kiêng quá mức hoặc dùng thuốc hạ đường huyết quá liều. Bệnh nhân gặp các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, yếu cơ, vã mồ hôi,… Hạ glucose quá mức có thể dẫn tới hôn mê.
Rối loạn chức năng sinh lý
Theo các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ suy giảm chức năng sinh lý lên đến 50% ở cả nam và nữ.
Khi mắc bệnh tiểu đường, nam giới thường gặp các biến chứng như rối loạn cương dương, xuất tinh ngược, nguy cao bị vô sinh. Còn ở nữ giới, các biến chứng thường gặp có thể kể tới như khô âm đạo, mất cảm giác và giảm ham muốn tình dục.
Một số biến chứng khác của bệnh tiểu đường
- Biến chứng tiểu đường ở da: Ngứa, mụn nhọt, đỏ da, viêm da, vàng da, nấm da,…
- Biến chứng tiểu đường trên phổi: Viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm, lao phổi,…
- Biến chứng tiểu đường tăng huyết áp: Tiểu đường làm tăng huyết áp, ngược lại huyết áp làm tăng mức độ nặng của bệnh tiểu đường.
- Biến chứng tiểu đường ở răng: Sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu,… có thể mất răng vĩnh viễn.
Biến chứng của đái tháo đường tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Bạn có thể phát hiện sớm và ngăn ngừa các biến chứng nếu thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và có một lối sống lành mạnh.
Làm gì để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường?
Mặc dù tiểu đường là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng vẫn có cách để bạn phòng ngừa các biến chứng xảy ra. Để ổn định đường huyết trong quá trình điều trị bệnh, bạn cần thực hiện một số giải pháp sau:
Chế độ ăn uống khoa học
- Tránh các thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, chè,…
- Kiêng dùng nhiều muối, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo động vật.
- Bổ sung nhiều rau và chất xơ hơn trong thực đơn ăn uống.
Tập thể dục, thể thao thường xuyên
Ngoài khả năng giảm sự để kháng với insulin, thường xuyên tập thể dục còn giúp cải thiện về chỉ số đường huyết.
Nhờ vậy, trọng lượng cơ thể bạn luôn được duy trì ở mức cân bằng, hạ cholesterol máu, đề phòng những biến chứng tim mạch.
Dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ
Tùy thuộc tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau sao cho phù hợp: Có thể sử dụng thuốc giảm đường huyết hoặc tiêm insulin.
Giải đáp nhanh các câu hỏi về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có lây truyền trong không khí?
Khác với những căn bệnh lây nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, sởi, viêm gan B, lao phổi,… bệnh tiểu đường hoàn toàn không lây truyền trong không khí..
Tiểu đường là bệnh có nguyên nhân do rối loạn chức năng nội tiết chứ không phải do virus hay vi khuẩn nên không gây lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi vậy, bạn có thể tiếp xúc, ăn uống chung với người bệnh tiểu đường mà không lo bị lây bệnh.
☛ Xem chi tiết trong bài: Bệnh tiểu đường có lây không? Lây qua đường nào?
Đái tháo đường có khả năng di truyền từ mẹ sang con?
Bệnh tiểu đường có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Theo nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng Harvard, người bố hoặc người mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì nguy cơ lây truyền sang con cái là 10% và 4%.
Nếu người mẹ hoặc bố mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thì nguy cơ lây sang con cái cao hơn nhiều, nguy cơ mắc bệnh có thể lên đến 50%.
Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh rằng, bệnh tiểu đường tuýp 2 có tính chất gia đình. Nguyên nhân có thể do thói quen ăn uống xấu chứa nhiều chất béo, đồ ngọt hoặc ít vận động. Đồng thời, gen di truyền cũng là một yếu tố khiến bệnh tiểu đường diễn biến nhanh hơn.
☛ Đọc chi tiết hơn: Tính di truyền của bệnh tiểu đường
Tiểu đường có lây qua đường máu không?
Câu trả lời là không. Rất nhiều người nhầm lẫn, rằng bệnh tiểu đường liên quan đến lượng glucose trong máu nên có thể lây qua đường máu.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường không giống như các căn bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, bệnh sốt rét, viêm gan,…
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường là do cơ thể bệnh nhân không sản sinh đủ insulin hoặc insulin sinh ra không có khả năng chuyển hóa glucid. Kết quả là lượng đường trong máu người bệnh tiểu đường cao hơn so với bình thường.
Như vậy, bạn có thể hoàn toàn an tâm khi nhận máu của người mắc bệnh tiểu đường mà không lo lây nhiễm khi cơ thể bạn kiểm soát đường huyết tốt.
Đường tình dục có thể lây truyền đái tháo đường?
Bệnh tiểu đường không lây nhiễm qua đường tình dục. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường không phải là do các tác nhân vi khuẩn, virus nên bệnh không lây lan qua đường tình dục.
Người bệnh tiểu đường vẫn có thể sinh hoạt chăn gối một cách bình thường. Tuy nhiên, các biến chứng của tiểu đường có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh lý.
Bệnh tiểu đường có chữa được không?
Hiện nay chưa có biện pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường nhưng vẫn có cách để thuyên giảm tình trạng bệnh. Cách hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường là giữ ổn định đường huyết, điều trị bằng insulin hoặc một số loại thuốc tiểu đường khác, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
☛ Chi tiết trong bài: Tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tiểu đường có chữa được không?”
Lời kết
Bệnh tiểu đường là một trong số những bệnh có nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, người bệnh cần nỗ lực kiểm soát chế độ ăn uống và tập luyện để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm, kéo dài tuổi thọ của mình.
Tài liệu tham khảo:
Complications of diabetes https://en.wikipedia.org/wiki/Complications_of_diabetes
About diabetes https://www.who.int/diabetes/action_online/basics/en/index3.html