Tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao là lo lắng của không ít mẹ bầu. Lý do là khi đường huyết tăng cao quá mức, mẹ và bé có thể gặp phải những biến chứng thai sản nguy hiểm.
Mục lục
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào. Tình trạng này khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu từ lúc mang thai. Thông thường, bệnh sẽ tồn tại trong suốt thai kỳ và tự kết thúc sau khoảng 6 tuần kể từ khi em bé chào đời.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu gồm có:
- Béo phì, thừa cân.
- Tiền sử gia đình có từng bị tiểu đường.
- Người có tiền sử sinh con lớn hơn 4kg.
- Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose, đái tháo đường thai kỳ, xét nghiệm glucose niệu dương tính.
- Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
- Tiền sử thai kỳ bất thường: thai lưu hoặc sảy thai không rõ nguyên nhân
- Người có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
➤ Nên đọc: 9 vấn đề về tiểu đường thai kỳ mẹ bầu phải biết
Chỉ số tiểu đường thai kỳ là gì?
Chỉ số đường thai kỳ là kết quả xét nghiệm nồng độ glucose máu của mẹ bầu thường được thực hiện trong tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ. Đây là căn cứ để bác sĩ chẩn đoán tiểu đường thai kỳ và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho thai phụ.
Lý giải về sự tăng cao bất thường của chỉ số tiểu đường thai kỳ, các bác sĩ cho biết: Trong thời gian mang bầu, nhu cầu về năng lượng của cơ thể mẹ bầu tăng cao. Điều này đòi hỏi mẹ bầu phải nạp lượng đường lớn hơn vào cơ thể. Cùng lúc này, tuyến tụy của người mẹ cũng cần phải hoạt động mạnh hơn để tăng tiết insulin kiểm soát đường.
Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng thích nghi kịp thời với sự thay đổi này dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt insulin. Cùng với đó, sự thay đổi nội tiết khiến insulin bị giảm tính nhạy cảm với tế bào và trở nên không hiệu. Kết quả là mẹ bầu gặp phải tình trạng rối loạn dung nạp đường và mắc phải căn bệnh tiểu đường thai kỳ.
Phương pháp xác định chỉ số tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao được xác định sau khi mẹ thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Dưới đây là hai phương pháp phổ biến được dùng để xác định tiểu đường thai kỳ.
Phương pháp dung nạp glucose 75g (phương pháp 1 bước)
Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ bằng phương pháp này được thực hiện như sau:
- Bước 1: Thai phụ được đo đường huyết lúc đói (Sau nhịn ăn ít nhất 8 tiếng).
- Bước 2: Nhân viên y tế hướng dẫn thai phụ uống dung dịch glucose 75g.
- Bước 3: Thai phụ được lấy máu xét nghiệm đường huyết sau uống 1 tiếng.
- Bước 4: Tiếp tục lấy máu xét nghiệm đường huyết sau 2 tiếng.
Sau khi có kết quả, thai phụ được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ khi có 2 trong số 3 yếu tố sau:
- Chỉ số đường huyết lúc đói ≥ 5,1 mmol/l ( hay 92 mg/dl).
- Chỉ số đường huyết sau 1 giờ uống 75g glucose ≥ 10 mmol/l ( hay 180 mg/dl).
- Chỉ số đường huyết sau 2 giờ uống 75g glucose ≥ 8.5 mmol/l ( hay 153 mg/dl).
Phương pháp dung nạp glucose 50g (phương pháp 2 bước)
Hai bước của phương pháp này tương đương với 2 lần dung nạp đường và được chia nhỏ thành các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Thai phụ được nhân viên y tế uống dung dịch 50g glucose (không cần nhịn đói)
- Bước 2: Nhân viên y tế tiến hành đo đường huyết sau khi uống 1 tiếng. Xác định đường huyết ≥ 7.2 mmol/l thì thực hiện bước tiếp theo.
- Bước 3: Thai phụ được uống 250 – 300 ml dung dịch 100g glucose sau khi nhịn ăn 8 tiếng.
- Bước 4: Nhân viên y tế đo đường huyết cho thai phụ sau các mốc thời gian 1 tiếng, 2 tiếng và 3 tiếng.
Theo tiêu chuẩn của Carpenter/ Coustan, thai phụ được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ nếu có từ 2 kết quả xét nghiệm như sau:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: ≥ 95 mg/dL ( hay 5,3 mmol/L)
- Chỉ số đường huyết sau 1 giờ uống 100g glucose ≥ 180 mg/dL (hay 10,0 mmol/L).
- Chỉ số đường huyết sau 2 giờ uống 100g glucose ≥ 155 mg/dL (hay 8,6 mmol/L).
- Chỉ số đường huyết sau 3 giờ uống 100g glucose ≥ 140 mg/dL (hay 7,8 mmol/L)..
➤ Đọc thêm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có thực sự cần thiết
Tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao?
Chỉ số tiểu đường thai kỳ được cho là bình thường khi kết quả xét nghiệm của mẹ bầu nằm trong ngưỡng sau:
- Chỉ số đường huyết lúc đói : ≤ 92 mg/dl ( tương đương 5.1 mmol/l)
- Chỉ số đường huyết sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (tương đương 10 mmol/l)
- Chỉ số đường huyết sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (tương đương 8.5 mmol/l)
Những thai phụ có 1 chỉ số vượt ngưỡng được xác định là rối loạn dung nạp đường thai kỳ. Trường hợp có từ 2 chỉ số vượt ngưỡng trở lên được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng chỉ số đường huyết của mẹ bầu đang bị cao. Thông thường, thai phụ sẽ được viện tư vấn dinh dưỡng và hướng dẫn theo dõi đường huyết tại nhà để đảm bảo đường huyết luôn trong ngưỡng an toàn
Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt có chỉ số cao bất thường cần được can thiệp điều trị bằng hormone Insulin, bao gồm:
- Chỉ số đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dL ( tương đương 11.1 mmol/L)
- Đường huyết lúc đói khi làm dung nạp đường ≥ 126 mg/dL (tương đương 7.0 mmol/L)
- Giá trị đường huyết bất kỳ khi làm dung nạp đường ≥ 200 mg/dL (tương đương 11.1 mmol/L)
- Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ trước 24 tuần
Lúc này, thay vì mãi thắc mắc về vấn đề tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao, mẹ bầu nên tập trung nghe phân tích và thực hiện theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.
Chỉ số tiểu đường thai kỳ cao gây nguy hiểm thế nào cho mẹ và bé?
Việc lo lắng tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao của mẹ bầu hoàn toàn có căn cứ. Trong một số trường hợp, khi đường huyết của thai phụ không được kiểm soát tốt, mẹ và bé có thể phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm như:
- Cao huyết áp dẫn đến: Sản giật, tiền sản giật, suy gan, suy thận, tai biến mạch máu não, thai chậm phát triển, tăng tỷ lệ chết chu sinh.
- Đa ối dẫn đến nguy cơ sinh non
- Nhiễm khuẩn niệu dẫn tới viêm đài bể thận cấp gây tăng ceton niệu, sinh non, nhiễm trùng ối.
- Phát triển thành tiểu đường type 2 sau khi sinh.
- Thai tăng trưởng quá mức.
- Một số ở trẻ sơ sinh như: Rối loạn chuyển hóa, bệnh lý hô hấp, vàng da sau sinh, tăng hồng cầu,…
Để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm này, mẹ bầu cần khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đúng vào thời điểm được chỉ định. Những thai phụ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ cũng không nên quá lo lắng. Hầu hết các mẹ đều có một thai kỳ an toàn khi kiểm soát dinh dưỡng và tiến hành điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
➤ Có thể mẹ bầu quan tâm: Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không??
Giải pháp giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết hiệu quả
Khi được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần phối hợp với bác sĩ để đưa đường huyết về giá trị mục tiêu như sau:
- Đường huyết lúc đói: < 5,8 mmol/L và > 3,4 mmol/ L.
- Đường huyết sau 1 giờ kể từ miếng ăn đầu tiên < 7,8 mmol/l
- Đường huyết sau 1 giờ kể từ miếng ăn đầu tiên < 7,2 mmol/l
Dưới đây là các phương pháp phổ biến giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Nguyên tắc điều chỉnh dinh dưỡng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ như sau:
- Thực phẩm đưa vào cơ thể được quy ra thành năng lượng, mức năng lượng cần thiết là 30Kcal/kg/ ngày. Tổng năng lượng chia đều cho các bữa trong ngày.
- Dinh dưỡng cần đảm bảo mẹ bầu tăng tối thiểu 0,45kg/ tháng trong 3 tháng đầu và 0,2 – 0,3kg/ tháng trong các tháng tiếp theo.
Để đường huyết không bị tăng vọt hay giảm đột ngột, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Thực phẩm nên bổ sung là các loại thịt, cá nạc, các loại sữa không đường, rau xanh và hoa quả ít ngọt.
Mẹ bầu cần hạn chế thực phẩm giàu đường bột, thực phẩm ngọt nhiều và kiêng tuyệt đối các thực phẩm không tốt cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá,…
Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết
Insulin human là loại thuốc duy được FDA Hoa Kỳ cấp phép trong điều trị tiểu đường thai kỳ. Khi sử dụng thuốc, mẹ bầu cần đảm bảo:
- Sử dụng insulin đúng liều lượng
- Thực hiện đúng các kỹ thuật trước, trong và sau khi tiêm insulin.
- Chủ động theo dõi đường huyết trong suốt thời gian điều trị.
Tập luyện phù hợp
Vận động là phương pháp hiệu quả giúp mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Các bác sĩ thường khuyến khích mẹ nên đi lại nhẹ nhàng sau mỗi bữa ăn để tiêu hao năng lượng, giảm đường tốt hơn.
Tuy nhiên, mẹ cần cân nhắc kỹ để lựa chọn được bài tập phù hợp. Những mẹ bầu cơ địa yếu, không phù hợp với vận động nhiều thì cần kiểm soát ăn uống và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.
Lời kết
Trên đây là tổng hợp những thông tin về tiểu đường thai kỳ và những xét nghiệm cần thiết. Hy vọng bài viết đã giúp mẹ bầu giải quyết được thắc mắc: Tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao. Mọi nghi ngờ về sức khỏe của mình, mẹ bầu nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn điều trị sớm nhất. Chúc mẹ có một thai kỳ bình an trọn vẹn!
Nguồn tham khảo
https://www.healthline.com/health/gestational-diabetes#
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339
https://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes