Gần 40 năm chung sống trong một mái nhà, ông Nguyễn Văn Hòa (62 tuổi, ngõ 73 Hàng Than, Hà Nội) và bà Đặng Hương Lan (59 tuổi) vẫn tràn ngập yêu thương. Nhờ tình yêu thương, hai ông bà vẫn cặm cụi lưu giữa nghề làm mặt nạ bồi giấy. Nghề này cũng chính là cái nơi ghi dấu tình yêu của hai ông bà chớm nở và đơm hoa kết trái.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà “khiêm tốn” của ông Nguyễn Văn Hòa (73 Hàng Than, Hà Nội) khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Trong khoảng ban cộng chật hẹp, hai vợ chồng ông Hòa đang tô vẽ những chiếc mặt nạ hết sức tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi song hai ông bà vẫn rất minh mẫn và miệt mài với công việc giữ nghề truyền thống của gia đình.
Đôi tay thoăn thoắt, ông Hòa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ông bảo rằng, ngày ông 18 tuổi, theo tiếng gọi Tổ Quốc ông gác bút nghiêng lên đường nhập ngũ. Trở về từ chiến trường, ông làm việc tại Công ty phân phối hoa quả Hà Nội. Năm 1978, ông được công ty cử đi học bổ túc văn hóa. Tại đây, ông đã gặp bà Đặng Hương Lan (59 tuổi) rồi phải lòng bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhớ về mối tình gần 40 năm trước, người đàn ông ngoài 60 vẫn không khỏi ngượng ngùng. Ông bảo: “Hai chúng tôi đi học bổ túc văn hóa cùng một lớp. Ngay từ lần đầu gặp tôi đã cảm mến vì bà ấy nhẹ nhàng, nữ tình. Ấy vậy mà mất gần hai năm tôi mới chinh phục được trái tim của bà ấy”.
Được sự đồng ý của bà Lan, năm 1980 hai ông bà tổ chức đám cưới trong niềm vui và hạnh phúc của hai bên gia đình, bạn bè. Và cũng vào đúng cuối năm đó, người con gái đầu lòng của ông bà chào đời. Niềm vui nối tiếp niềm vui khiến cuộc sống gia đình không khi nào dứt tiếng cười nói rôm rả. Giờ đây, hai người con, một trai, một gái của ông bà đã lập gia đình, công việc ổn định nên ông bà cũng yên lòng. “Bây giờ hai người già kiếm sống nuôi nhau chứ không còn phải bận tâm tới chuyện con cái nữa. Cả hai đứa đã đều có gia đình và công việc ổn định”, ông Hòa vui vẻ.
Hiện giờ, hai ông bà vẫn cần mẫn làm những chiếc mặt nạ bồi giấy để có đồng ra đồng vào. Hơn thế nữa, đây còn là món nghề truyền thống của gia đình nên ông muốn giữ để con cháu biết những giá trị văn hóa xưa. Ông Hòa kể, nghề làm mặt nạ này là của bố vợ ông để lại, bà Lan theo nghề rồi sau này ông cũng theo cái nghiệp đó. Trước đây, mỗi khi không phải tới công ty ông lại tranh thủ làm mặt nạ, nâng cao tay nghề. Mãi tới 5 năm trở lại đây ông mới chuyên tâm hơn với nghề, những chiếc mặt nạ làm ra cũng đẹp hơn, nhiều người yêu thích trở lại.
“Ngày trước, mỗi độ Trung Thu trẻ con ở khu này thích lắm, đứa nào cũng muốn một cái mặt nạ để chơi. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do đồ chơi Trung Quốc nhiều nên thị trường mặ nạ giấy bồi cũng theo đó mà co hẹp lại”, ông Hòa chia sẻ. “Không chỉ vậy, thanh niên bây giờ cũng không đủ kiên nhẫn mà làm nghề. Với lại, làm ra mà không bán được thì làm để làm gì?”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Mặc dù nhiều người quay lưng với nghề, song vợ chồng ông hàng ngày vẫn miệt mài làm từng cái mặt nạ bồi. Nhờ sự chau chuốt làm nghề, chau chuốt chăm sóc nhau mà tình cảm ông bà vẫn nồng đượm dù gần 40 năm qua.
Cao Nguyên