Cao huyết áp (còn gọi là tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cao huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của thế giới. Theo ước tính mỗi năm bệnh cao huyết áp sẽ gây tử vong cho gần 8 triệu người. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng cao huyết áp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thể phát hiện sớm bệnh lý này nhé!
Mục lục
Cao huyết áp là gì?
Huyết áp là một áp lực cần thiết trong quá trình đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được hình thành khi có lực co bóp của cơ tim cộng với sức cản của thành mạch.
Cao huyết áp là trạng thái máu lưu thông với áp lực lớn và liên tục. Theo hướng dẫn điều trị cao huyết áp của Bộ Y tế ban hành năm 2010, cao huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg và huyết áp tâm trương từ lớn hơn 90mmHg. Cao huyết áp là một bệnh lý mãn tính, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.
Cao huyết áp được phân thành hai loại là cao huyết áp nguyên phát (cao huyết áp không rõ nguyên nhân) và cao huyết áp thứ phát (do một bệnh lý nào đó gây nên tình trạng cao huyết áp, còn gọi là cao huyết áp triệu chứng). Cao huyết áp thứ phát chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong số bệnh nhân bị cao huyết áp.
Yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
Theo một số nghiên cứu đã chứng mình rằng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp như:
- Độ tuổi: Khi tuổi tăng lên thì nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cũng tăng theo, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.
- Thừa cân béo phì: Người có chỉ số BMI ≥ 23, nam vòng bụng ≥ 90cm, nữ vòng bụng ≥ 80cm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn so với người có chỉ số cân nặng bình thường
- Sử dụng các chất kích thích: Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá có nguy cơ bị cao huyết áp và các bệnh về tim mạch.
- Ăn nhiều muối, ít rau quả.
- Ít hoạt động thể lực.
- Căng thẳng tâm lý.
- Những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, …
- Tiền sử bệnh trong gia đình: Trong gia đình có người bị cao huyết áp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn so với bình thường.
- Một số trường hợp mang thai cũng góp phần làm tăng huyết áp.
Mặc dù, cao huyết áp phổ biến nhất ở người lớn, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở trẻ có vấn đề về thận hoặc tim mạch. Một số trẻ có thói quen và lối sống kém lành mạnh cũng có nguy cơ bị cao huyết áp.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Nguyên nhân gây huyết áp cao và các yếu tố nguy cơ
Triệu chứng cao huyết áp
Cao huyết áp cao thường không có triệu chứng đặc trưng, ngay cả khi chỉ số huyết áp tăng đến mức nguy hiểm. Tùy thuộc vào thể trạng của từng người sẽ có triệu chứng và có mức độ nặng nhẹ khác nhau. Những dấu hiệu mà bạn có thể gặp khi bị cao huyết áp là:
Choáng váng, nhức đầu
Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tăng áp lực bên trong hộp sọ và gây ra cơn đau đầu dữ dội. Tình trạng đau đầu do cao huyết áp thường khác với các loại đau nửa đầu hoặc đau đầu do bệnh lý khác gây ra. Nhiều khi bạn dùng thuốc giảm đau nhưng không thấy sự thuyên giảm.
Chóng mặt
Chóng mặt cũng có thể xảy ra khi bạn bị cao huyết áp. Những cơn chóng mặt có thể xuất hiện đột ngột khiến cho cơ thể mất thăng bằng gây ảnh hưởng đến việc đứng, đi lại…
Nhịp tim không đều
Nhịp tim không đều hay còn gọi là đánh trống ngực. Bạn có thể có cảm thấy tim đập nhanh hơn so với bình thường ngay cả cơ thể ở không thực hiện các hoạt động mạnh như: chạy, chơi thể thao, mang vác vật nặng… Khi huyết áp tăng quá cao thì tình trạng nhịp tim không đều sẽ xuất hiện liên tục. Bởi vì tim phải hoạt động nhiều hơn và nhanh hơn để cung cấp đủ máu đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Vấn đề về thị lực
Khi huyết áp tăng cao có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ, khiến máu không thể lưu thông đến các bộ phận nhỏ trong mắt như võng mạc. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương ở võng mạc, nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể bị mất thị lực hoàn toàn.
Đau ngực
Người bị cao huyết áp mãn tính có thể bị đau tức ngực nhẹ. Đây là một triệu chứng mà bạn nên chú ý. Bời vì, khi triệu chứng này xuất hiện có nghĩa là tình trạng bệnh đã ở mức nghiêm trọng, cần được điều trị luôn. Đi kèm với triệu chứng này, người bệnh còn có biểu hiện ra mồ hôi, khó thở và buồn nôn.
Đỏ mặt
Đỏ bừng mặt xảy ra khi các mạch máu dưới da giãn nở quá mức. Bình thường biểu hiện này có thể xuất hiện khi chúng ta tiếp xúc với một số tác nhân như: nhiệt độ cao, thời tiết lạnh, ăn đồ cay, gió, tập thể dục, đồ uống nóng, dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da, hay lúc cảm xúc tăng cao. Nếu bạn thường xuyên bị đỏ mặt mà không thuộc các trường hợp vừa nêu ra có thể bạn đang bị bệnh cao huyết áp đấy.
Những triệu chứng được nên ra ở trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế, để có thể phát hiện sớm bệnh cao huyết áp mọi người nên kiểm tra và đo chỉ số huyết áp thường xuyên nhé.
Khi có dấu hiệu nào phải đi cấp cứu gấp?
Khi người bị cao huyết áp có các triệu chứng dưới đây bạn hãy gọi ngay cho 115 để đưa họ đến bệnh viện nhé. Bời vì, nếu chậm trễ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
- Đau ngực, khó thở.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
- Đau lưng, tê bì/ yếu liệt chi.
- Suy giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Chảy máu mũi.
- Mất thăng bằng cơ thể.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp
Khi mắc bệnh huyết áp cao nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Đột quỵ: Huyết áp cao có thể gây cứng và dày động mạch (vữa xơ động mạch), dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc có thể tử vong. Một số triệu chứng của đột quỵ mà bạn có thể gặp phải như: cơ thể mệt mỏi, tê cứng mặt hoặc nửa mặt, khó cử động chân tay, khó phát âm, hoa mắt, chóng mặt, mất cân bằng đột ngột, không nhìn rõ, đau đầu dữ dội…
- Phình mạch: Huyết áp tăng cao khiến các mạch máu bị yếu đi và phình to ra, tạo thành chứng phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một số triệu chứng phình mạch não mà bạn có thể gặp phải như: đột ngột đau đầu nặng, buồn nôn và nôn, đau cổ, mắt nhìn mờ, một mí rủ, mất ý thức,…
- Suy tim: Để chống lại áp suất cao trong mạch máu, tim phải làm việc nhiều hơn so với mức bình thường. Điều này sẽ làm cho các buồng bơm của tim dày lên. Nếu dày quá, tim sẽ gặp khó khăn trong việc co bóp, dần dần sẽ dẫn đến đến tình trạng suy tim. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh suy tim như: cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực, ho khạc bọt hồng, tiểu ít, hoa mắt, chóng mặt…
- Suy thận: Huyết áp cao kéo dài khiến mạch máu thận bị suy yếu và thu hẹp ngăn cản thận hoạt động bình thường, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy thận. Một số triệu chứng của suy thận mà bạn có thể nhận thấy như: buồn nôn và nôn, chán ăn, người mệt mỏi, hay bị ớn lạnh, rối loạn giấc ngủ, tiểu nhiều về ban đêm, phù, khó thở, đau tức vùng hông lưng…
- Giảm thị lực: Huyết áp cao sẽ gây ra những tổn thương các ở mạch máu nhỏ ở mắt như: mạch máu bị dày lên, thu hẹp hay bị vỡ ra. Chính vì lý do này khiến cho thị lực của người bệnh bị giảm đi, nếu không điều trị kịp thời có thể bị mất thị lực hoàn toàn.
- Hội chứng chuyển hóa: Đây một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, bao gồm tăng vòng eo; chất béo trung tính cao; cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) thấp; huyết áp cao và mức insulin cao. Sự thay đổi này khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
- Sa sút trí tuệ: Huyết áp cao không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi của bạn.
- Mất trí nhớ: Chứng mất trí nhớ do các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não.
Ý nghĩa của việc phát hiện sớm triệu chứng cao huyết áp
Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh cao huyết áp có thể làm giảm được khoảng 35-40% nguy cơ đột quỵ, 20-25% nguy cơ nhồi máu cơ tim và làm giảm nguy cơ suy tim hơn 50%. Ước tính với những người bệnh nhân cao huyết áp có huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg, đồng thời có thêm yếu tố nguy cơ tim mạch, nếu làm giảm huyết áp tâm thu được 12 mmHg duy trì trong 10 năm sẽ ngăn ngừa được một trường hợp tử vong cho khoảng 11 bệnh nhân được chữa trị; nếu có bệnh mạch vành hay tổn thương cơ quan đích thì chỉ cần hạ áp cho 9 bệnh nhân sẽ ngăn chặn được 1 trường hợp tử vong.
Vì vậy, việc phát hiện sớm cao huyết áp là rất quan trọng, không chỉ tốt cho sức khỏe người bệnh mà còn mang một ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị, kiểm soát chỉ số huyết áp và hạn chế được các yếu tố nguy cơ tim mạch mà bệnh nhân có thể mắc phải.
Lời kết
Hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức bổ ích để có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh cao huyết áp. Bởi việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410
https://www.medicalnewstoday.com/articles/159283